Sáng 23/12, Samsung đã khánh thành trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lớn nhất của công ty tại Đông Nam Á. Đây là tòa nhà 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, tổng diện tích mặt sàn gần 80.000 m2 nằm tại khu đô thị Starlake Hà Nội.
Ảnh: Thuý Hà.
Samsung đã khởi công xây dựng trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trị giá 220 triệu USD vào tháng 3/2020. Trung tâm này sẽ phụ trách nghiên cứu và phát triển các thiết bị di động của Samsung, bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, các sản phẩm phần mềm. Dự kiến, 2.000 nhân sự người Việt sẽ làm việc tại đây.
Tham dự lễ khánh thành có Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung. Tháp tùng ông Lee Jae-yong có 15 lãnh đạo khác của Samsung, trong đó có Phó chủ tịch Samsung Electronics Chung Hyeon-ho, Chủ tịch Samsung Electronics Roh Tae-moon và Chủ tịch Samsung Display Choi Ju-seon.
Trước đó, một lãnh đạo Samsung đã nói với tờ báo Hàn Quốc: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển mang ý nghĩa biểu tượng rằng, đất nước đang chuyển đổi từ một cơ sở sản xuất thành một trung tâm chiến lược, nơi những đổi mới công nghệ quan trọng sẽ diễn ra. Và trung tâm này sẽ là đỉnh cao của cam kết kéo dài hàng thập kỷ của Samsung đối với Việt Nam.
Bên cạnh trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Samsung đang vận hành 4 nhà máy, gồm Samsung Electronics Vietnam (SEV), Samsung Display Vietnam (SDV) tại Bắc Ninh; Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT) tại Thái Nguyên, Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Hà Nội cùng một pháp nhân bán hàng.
Năm 2021, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD (tương đương 20% GDP của Việt Nam), trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD (tương đương 10% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam là 668,54 tỷ USD). Sau 9 tháng đầu năm 2022, 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam mang về tổng doanh thu khoảng 56,6 tỷ USD và lợi nhuận gần 4 tỷ USD.
Nhà máy đầu tiên của Samsung Việt Nam được khởi công xây dựng vào năm 2008 là khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) nằm tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư ban đầu là 670 triệu USD.
Sau 14 năm, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Bắc Ninh là 9,3 tỷ USD (bằng gần một nửa số vốn đầu tư tại Việt Nam). Samsung góp phần quan trọng biến Bắc Ninh từ tỉnh nghèo vươn lên đứng đầu cả nước về quy mô sản xuất công nghiệp và đứng thứ 2 về xuất khẩu (chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh).
Kế tiếp Samsung Bắc Ninh, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) chính thức khởi công vào 25/3/2013 với tổng vốn giải ngân đến nay là 7,3 tỷ USD. Đây là khu tổ hợp công nghệ thứ hai của Samsung ở Việt Nam, khẳng định cam kết biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu điện thoại di động của tập đoàn. SEVT cùng với SEV là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.
Tại Thái Nguyên, Samsung là động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Sự hiện diện của Samsung đã đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc và thứ 4 cả nước về giá trị xuất khẩu, sau thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Bình Dương. Năm 2021, giá trị xuất khẩu của Thái Nguyên đạt trên 29 tỷ USD.
Tại khu Công nghệ cao quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, Samsung Electronics SEHC chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, hiện là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á của Samsung. Nhà máy này có tổng diện tích gần 1 km2, với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD. Ảnh: Phùng Tiên.
Ảnh: An Khương.
Samsung còn có văn phòng marketing và bán hàng tại tầng 22-25 của tháp tài chính Bitexco, một trong những địa điểm trung tâm và đắt giá nhất thành phố Hồ Chí Minh.
Sau 14 năm, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng gấp 29 lần (từ 670 triệu USD năm 2008 lên 19 tỷ USD năm 2021). Mới đây, tại cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Han Jong-hee, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Samsung Electronics cho biết Tập đoàn đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Lấy link