Chị Quyên vốn đang sống và làm việc tại Mỹ. Chị đã bén duyên với Quỹ VinFuture thế nào? Ai là người đã mời chị về Việt Nam?
Giáo sư Văn (GS. Vũ Hà Văn) đã liên hệ với tôi từ năm 2018, mời tôi về để gặp gỡ anh Vượng (ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup, Đồng sáng lập Quỹ VinFuture), để anh Vượng chia sẻ những việc muốn làm, muốn cống hiến cho đất nước.
Ban đầu là về việc muốn tổ chức các viện nghiên cứu khoa học như VinAI, Vingroup Big Data Institute… Anh ấy muốn nhờ tôi hỗ trợ xây dựng phòng nghiên cứu về vật liệu, và cả VinUni nữa.
Tháng 7/2020, khi anh Vượng muốn thành lập quỹ này, thì lại liên lạc với tôi. Tôi đồng ý liền, vì thấy rằng đó là một ý tưởng hay. Thời điểm thành lập quỹ cũng là lúc phòng lab của tôi ở Mỹ đóng cửa vì Covid-19 gần 1 năm, nên tôi lại có nhiều thời gian để hỗ trợ quỹ.
Khi ông Vượng chia sẻ về mong muốn xây dựng các viện nghiên cứu và giải thưởng khoa học, là một nhà khoa học, cảm xúc của chị ra sao?
Tôi rất khâm phục anh Vượng. Tỷ phú trên thế giới thì không thiếu, nhưng nhìn ra, bao nhiêu người là người làm những việc như anh ấy, thực sự bỏ tiền của mình ra để giúp đỡ đất nước, cống hiến cho nhân loại, đặc biệt là cho nền khoa học kỹ thuật thế giới? Thực sự rất ít, phần đông người ta dùng tiền để hưởng thụ cuộc sống thôi.
Sau khi tham gia VinFuture mùa 1 và quay lại Mỹ, chị có nhận thấy sự quan tâm của các đồng nghiệp về giải thưởng này hay không?
Các đồng nghiệp và những người làm khoa học nói chung mà tôi biết, họ rất khâm phục và ngưỡng mộ, khi người Việt Nam có một Quỹ hàng đầu quốc tế như thế này. Họ rất ngạc nhiên, và hỏi tôi về nhà sáng lập Quỹ. Đến giờ, Quỹ đã được rất nhiều người biết đến, không chỉ đồng nghiệp bên Mỹ, mà cả những đồng nghiệp ở khắp nơi trên thế giới.
Khi tôi thuyết trình ở các diễn đàn quốc tế, cũng rất nhiều người hỏi về Quỹ, họ ngạc nhiên, và họ đã vỗ tay tán thưởng, khi Việt Nam đã có người có tầm nhìn kết nối toàn cầu, và chú trọng lĩnh vực khoa học công nghệ.
Giới khoa học cũng đánh giá cao các tiêu chí của giải thưởng VinFuture, rất khác biệt so với các giải thưởng khoa học toàn cầu khác.
Ví dụ như có nhiều giải trao thưởng cho các sáng chế trong các ngành khoa học cơ bản, nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu và được lợi từ những sáng chế đó. Thực ra, những người như nông dân, công nhân hay người nghèo, không để tâm nhiều đến những việc con người đặt chân lên mặt trăng (cười). Cái mà họ cần là mỗi ngày đều có nước uống, có thức ăn, có sức khỏe tốt. Do vậy, giải thưởng VinFuture rất đặc biệt ở điểm đó. Với những sáng chế đạt giải VinFuture, người giàu, người nghèo đều được lợi như nhau.
Sau mùa 1, góc nhìn của giới khoa học về Việt Nam và nhà khoa học các nước đang phát triển có thay đổi như thế nào?
Nhìn chung, cũng nhờ có Quỹ VinFuture mà hội đồng khoa học toàn cầu đã biết thêm nhiều điều về Việt Nam.
Những người lần đầu tiên đến Việt Nam, họ rất thích Việt Nam, đất nước rất đẹp, người dân hiền hòa và rất dễ thương, hiếu khách. Nhưng, cái mà người ta chưa biết đến nhiều, là nền khoa học, công nghệ của Việt Nam. Người ta mới chỉ biết về Việt Nam là nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh.
Tôi hy vọng qua dịp này, Chính phủ cũng sẽ đầu tư thêm về hạ tầng cho nghiên cứu khoa học, công nghệ. Quỹ VinFuture đã đưa nhiều nhà khoa học hàng đầu quốc tế đến Việt Nam để kết nối, thì nếu Việt Nam có cơ sở hạ tầng để nghiên cứu, hợp tác quốc tế sẽ tốt hơn nữa.
Trong tương lai, chị có nghĩ là sẽ tiếp tục đồng hành với VinFuture và việc đó có ý nghĩa gì với chị?
Tôi sẽ đồng hành với VinFuture, thứ nhất do tôi là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, và tôi hiểu rõ cuộc sống sẽ thế nào khi lớn lên từ những làng quê nghèo khổ, không đủ ăn, thậm chí không có đủ nước sạch để uống. Vì thế, VinFuture rất có ý nghĩa đối với bản thân tôi.
Mặt khác, theo tôi, giải thưởng VinFuture không chỉ là của Quỹ VinFuture, mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Khi đồng hành với Quỹ, tôi cũng coi như đã giúp đất nước mình được thế giới biết đến bởi cộng đồng khoa học và người dân trên thế giới.
Là một người từng sống 16 năm trong cảnh nghèo khó, thậm chí là không có điện, nước. Tại sao khi có cơ hội sống ở Mỹ, chị không nghĩ đến việc kiếm tiền thật nhanh để thoát nghèo, mà lại chọn kiên trì với việc làm khoa học – một con đường dài, chông gai và tiền không đến nhanh?
Khi mới qua Mỹ, tôi cũng như tất cả những người Việt khác, vừa đi học, vừa đi làm. Tôi cũng làm nhiều việc lắm, làm trong nhà hàng, cửa hiệu, cả làm móng nữa. Đồng ý là việc đi làm đó giúp mình có thêm thu nhập, có tiền ngay, nhưng số tiền không lớn, và tôi cũng không cho rằng đó là công việc cả đời mình.
Với tôi, ngành nghề nào cũng quan trọng, không có ngành nghề nào là cao sang, hay thấp kém. Nhưng mỗi người có một ước mơ riêng, ước mơ của tôi không phải là những việc khác, như làm móng, làm nhà hàng. Tôi thì yêu thích dạy học, nghề mà gia đình tôi đã có 4 đời theo rồi.
Nhưng từ đầu thì tôi chưa nghĩ sẽ làm khoa học ngay đâu. Lớn lên ở trường làng, đâu biết những chuyện làm nghiên cứu, là tiến sĩ thì sẽ thế nào đâu. Qua Mỹ rồi, vẫn chưa biết đâu (cười). Ban đầu cũng chỉ gắng học tiếng Anh, để giao tiếp với người Mỹ. Nhưng rồi sự tò mò, muốn biết mọi thứ vận hành ra sao, đã khiến tôi tiếp tục học, tiếp tục trải nghiệm và sau đó mới tìm thấy thứ mình thích. Vì đã yêu thích khoa học rồi, nên tôi sẵn sàng vay tiền từ Chính phủ Mỹ để học (cười).
Tại khảo sát tại hội trường VinFuture, những rào cản lớn nhất đối với nhà khoa học nữ được cho là đến từ khác biệt văn hóa, đến từ việc người phụ nữ phải sinh con, chăm sóc con, và thiếu sự hỗ trợ từ gia đình. Chị có gặp phải những rào cản này không và đã vượt qua ra sao?
Mẹ tôi ngày xưa là giáo viên. Thực ra, mẹ đã từng có ước mơ trở thành bác sĩ đầu tiên của Buôn Mê Thuột, nhưng vì mẹ lập gia đình sớm, lại có tới 5 người con, nên ước mơ đó đã không thành sự thật. Vì thế, mẹ là người đã rất khuyến khích, thúc đẩy chúng tôi học hành. Bố tôi thì ngược lại, ông hay nói: “Con gái, học chi dữ vậy, lo lấy chồng sinh con đi” (cười).
Nói chung khó vậy thì phải làm việc rất cực thôi (cười). Ngày nào cũng làm việc, 15-16 tiếng.
Nếu bạn nói chuyện với các nhà khoa học nữ rất thành công, thì đằng sau đó luôn là một người đàn ông hiểu biết, tương trợ, giúp đỡ vợ cho sự thành công đó. Nếu muốn một người phụ nữ phải lo mọi thứ cho con cái, lại vừa phải chăm chồng, rồi vừa phải có sự nghiệp thì rất khó.
Chúng ta vẫn hay nói phía sau người đàn ông thành công có bóng dáng người phụ nữ, thì ngược lại, đằng sau người phụ nữ thành công là một người chồng hiểu biết.
Thật ra xung quanh tôi, mọi người động viên, hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi có một người em gái mà tôi có thể tâm sự mọi thứ. Tôi cũng có những đồng nghiệp nữ truyền cảm hứng. Chúng tôi có một nhóm 25 nhà khoa học nữ đến từ khắp nơi trên thế giới, giúp đỡ, chia sẻ với nhau về nhiều vấn đề trong công việc, cuộc sống.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có được sự hỗ trợ của cả gia đình, và cả những người đồng nghiệp. Vì thế, những năm gần đây, tôi cũng đã cố gắng hỗ trợ các nhà khoa học từ khắp những nơi trên thế giới, thậm chí là cả những người tôi chưa từng biết mặt.
Rõ ràng, khoa học là một chặng đường dài đầy khó khăn. Có khi nào những khó khăn trên con đường khoa học lớn đến mức chị muốn bỏ cuộc?
Rất nhiều lần, mà tôi cũng khóc rất nhiều lần rồi (cười). Việc đồng nghiệp đối xử với mình thiếu tôn trọng, không công bằng, tôi đã gặp nhiều lần trong sự nghiệp. Nhưng rồi tôi tự nhủ, mình đã cố gắng nhiều như vậy, chẳng lẽ vì người ta mà mình phải từ bỏ sự nghiệp? Vậy không có đáng!
Đường đến thành công, tất nhiên có những gian nan, và mọi thứ không thể êm đềm mãi, nhưng đừng bỏ cuộc dễ dàng và cũng đừng để ai khiến mình phải bỏ cuộc. Có người cản trở mình, thì cũng sẽ có người giúp đỡ mình.
Người đã giúp đỡ chị trên con đường khoa học là ai?
Rất nhiều, tôi học được rất nhiều từ mọi người, từ nhà khoa học nam, đến nhà khoa học nữ, đủ mọi lứa tuổi. Không chỉ là những thứ liên quan đến khoa học, mà là tất cả những kinh nghiệm có thể hỗ trợ một nhà khoa học trẻ, mới bắt đầu sự nghiệp.
Mỗi người sẽ cho ta một lời khuyên khác nhau. Có những lời khuyên rất phù hợp, có cái lại không hẳn. Nhưng tôi hỏi tất cả những người tôi có cơ hội gặp, đi tới đâu hỏi tới đó (cười).
Nếu coi việc làm khoa học giống như một bộ môn thể thao, chị thấy khoa học giống bộ môn gì?
Tôi rất mê bóng đá (cười). Tôi hay dùng World Cup để nói về liên kết khoa học. Trong bóng đá, bạn không thể chơi một mình, hay việc sở hữu cầu thủ giỏi, cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ vô địch World Cup, mà cần là một đội, phối hợp thật ăn ý, khoa học cũng vậy.
Một người nếu chỉ làm khoa học một mình, kết quả thì cũng có thể có, nhưng sẽ không thể bằng khi chúng ta có một đội.
Tôi là người rất thích làm việc với các nhà khoa học quốc tế khác. Mỗi người sẽ có một kinh nghiệm riêng, khi làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều ở nhau, và tạo ra được nhiều kết quả lớn.
Ban đầu cũng khó để tìm đồng đội, vì chẳng ai biết mình là ai cả, viết thư họ cũng chẳng trả lời. Nhưng khi mình có mặt ở các hội nghị quốc tế, người khác thấy mình thuyết trình, mình làm việc tốt, mình tìm họ nói chuyện, họ có thiện cảm với mình, thì mình đề xuất hợp tác họ sẽ đồng ý. Vậy nên những nhà khoa học trẻ của Việt Nam, nên được tạo cơ hội để ra nước ngoài, dự các hội nghị quốc tế, để gặp gỡ và hợp tác quốc tế.
Tôi cũng muốn khuyên các nhà khoa học ở Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, đừng ngại tiếp cận với các nhà khoa học trên thế giới, những người đã thành công. Nếu viết thứ 2 lần không được, thì ta viết 10 lần. Tôi tin là nếu hỏi 10 người thì thế nào cũng có 1-2 người sẽ sẵn sàng giúp đỡ mình.
Câu hỏi cuối cùng, tôi thấy nhiều người sống và làm việc ở nước ngoài đều có tên tiếng Anh, vì tên tiếng Việt rất khó đọc đối với người nước ngoài, tại sao cả ở các hội thảo, hay địa chỉ email, và mạng xã hội, chị lại không để tên tiếng Anh vậy?
Khi tôi qua Mỹ, nhiều người cũng nói nên có tên tiếng Anh để người nước ngoài dễ gọi hơn. Nhưng tôi là người Việt, tôi rất hãnh diện là người Việt Nam, và cái tên của mình là do cha mẹ đặt nên tôi không muốn thay đổi.
Cảm ơn chị rất nhiều!
Thái Trang
Việt Hùng
Hương Xuân
18/12/2022 Lấy link