'Cha đẻ' ngành chip Đài Loan cảnh báo hồi kết của toàn cầu hóa

Ông Morris Chang, nhà sáng lập công ty chip hàng đầu Đài Loan TSMC, cho rằng toàn cầu hóa đã gần đi đến hồi kết và sẽ không quay trở lại.


Trong bài phát biểu nhân sự kiện "khai máy" nhà máy sản xuất chip thứ hai ở Mỹ, nhà sáng lập công ty bán dẫn hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc) TSMC, Morris Chang bình luận rằng toàn cầu hóa đã đi đến hồi kết, và sẽ không quay trở lại.


Hôm 6/12, TSMC đánh dấu bước đi biểu tượng khi tổ chức lễ ra mắt thiết bị tại nhà máy mới ở Phoenix, Arizona, Mỹ. Đây là nhà máy chip thứ hai của TSMC tại Mỹ và được xây dựng cách nhà máy đầu tiên hơn hai thập kỷ. Theo ông Chang, để nhà máy này thành công còn rất nhiều “việc khó” phải làm.


Cha đẻ ngành chip Đài Loan cảnh báo hồi kết của toàn cầu hóa - Ảnh 1.

Ông Morris Chang.


Ông so sánh dự án nhà máy trị giá 40 tỷ USD hiện tại với khi TSMC xây nhà máy đầu tiên, nằm tại Camas, Washington năm 1995, chỉ 8 năm sau khi công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới được thành lập. “27 năm đã trôi qua và (ngành công nghiệp bán dẫn) đã chứng kiến sự thay đổi lớn trên thế giới, sự thay đổi lớn trong tình hình địa chính trị”, Chang nói. “Toàn cầu hóa đã đi đến hồi kết, thương mại tự do đã đi đến hồi kết. Nhiều người vẫn mong có thể quay lại như xưa nhưng tôi không nghĩ họ có thể”.


Những bình luận Chang được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến sản xuất chip gia tăng, chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu dường như bị chia thành hai phía. Washington cố gắng ngăn chặn tham vọng về chip của Bắc Kinh, gần nhất là thông qua các lệnh hạn chế mới công bố hồi tháng 10, điều này khiến những công ty như TSMC gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phục vụ các khách hàng ở Trung Quốc.


Nhiều năm trước, vì từng dành hàng chục năm học và làm việc ở Mỹ, ông Chang đã luôn mơ về việc xây dựng một nhà máy, hay xưởng lắp ráp chip, ở Mỹ. Nhưng trải nghiệm đầu tiên của ông không mấy suôn sẻ.


“Khi làm được điều đó tôi thấy giống như một giấc mơ thành hiện thực. Nhưng (nhà máy đầu tiên) đã gặp phải những vấn đề về chi phí. Rồi chúng tôi gặp vấn đề về con người, vấn đề về văn hóa. Giấc mơ bỗng trở thành ác mộng đời thực. Chúng tôi mất vài năm để thoát khỏi cơn ác mộng, khi đó tôi quyết định cần tạm hoãn giấc mơ lại”.


Trong những thập kỷ sau đó, TSMC tập trung vào cải tiến khả năng sản xuất chip công nghệ cao ở thị trường nội, chiến lược đã giúp công ty giảm các khoản chi phí trong khi tiếp tục mài giũa về công nghệ.


Ông Chang nói sự kiện lễ ra mắt thiết bị là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng nhà máy sản xuất chip – đánh dấu thời điểm giai đoạn một của dự án mới tại Mỹ đã có thành quả.


“Những cảm xúc lãng mạn và phấn khích lúc ban đầu rồi sẽ hết. Còn lại là nhiều công việc vất vả”, ông nói. Nhưng theo Chang, với sự ủng hộ của chính phủ Mỹ, TSMC đã được chuẩn bị kĩ hơn so với lần đầu tiên xây dựng nhà máy.


Cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, một phái đoàn lớn gồm các CEO hàng đầu của ngành công nghệ và chip đã tham dự sự kiện này. Ông Biden ca ngợi nhà máy là một chiến thắng Mỹ trong nỗ lực sản xuất chip tiên tiến trong nước. Cùng ngày, TSMC công bố sẽ tăng gấp ba khoản đầu tư vào Arizona, lên 40 tỷ USD, để mang công nghệ chip tiên tiến nhất của mình đến Mỹ.


Washington đề cập đến lo ngại về an ninh quốc gia, cũng như các vấn đề về nguồn cung cấp, khi muốn đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn trở lại trong nước. Nhiều lãnh đạo trong ngành công nghiệp này cũng đồng ý rằng thời đại toàn cầu hóa đang lùi xa và việc tìm nguồn cung ứng tại địa phương hiện là ưu tiên hàng đầu.


Lisa Su, giám đốc điều hành của nhà phát triển chip AMD, nói với Nikkei Asia bên lề sự kiện rằng tính liên tục của chuỗi cung ứng hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các công ty như AMD.


Su đề cập đến tình trạng thiếu hụt chip chưa từng có: "Toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn đã sẵn sàng làm việc cùng nhau. Ngành công nghiệp này đã trải qua rất nhiều khó khăn trong vài năm qua. Và việc đa dạng hóa về mặt địa lý là rất quan trọng. Cuối cùng, điều chúng tôi muốn làm là đảm bảo rằng có chuỗi cung ứng ổn định cho những con chip của mình".


Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng chấp nhận ý tưởng sản xuất chip tại chỗ mặc dù công ty của ông trong nhiều năm đã hợp tác với các nhà cung cấp toàn cầu để giảm chi phí cho sản phẩm "được thiết kế tại Mỹ" của mình.


Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang nói: "Việc xây dựng các nhà máy rõ ràng rất khó khăn. Sự kiện hôm nay đánh dấu TSMC sẽ là đối tác cơ bản trong mục tiêu phục hồi (chuỗi cung ứng) của mọi công ty" .


Apple, AMD và Nvidia sẽ là những khách hàng đầu tiên của nhà máy TSMC ở Arizona.


Lấy link







'Cha de' nganh chip Dai Loan canh bao hoi ket cua toan cau hoa


Ong Morris Chang, nha sang lap cong ty chip hang dau Dai Loan TSMC, cho rang toan cau hoa da gan di den hoi ket va se khong quay tro lai.

'Cha đẻ' ngành chip Đài Loan cảnh báo hồi kết của toàn cầu hóa

Ông Morris Chang, nhà sáng lập công ty chip hàng đầu Đài Loan TSMC, cho rằng toàn cầu hóa đã gần đi đến hồi kết và sẽ không quay trở lại.
'Cha đẻ' ngành chip Đài Loan cảnh báo hồi kết của toàn cầu hóa
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: