Samsung là nhà sản xuất smartphone lớn nhất hành tinh. Dữ liệu từ nhiều công cụ theo dõi trong ngành công nghiệp di động cho thấy Samsung đã xuất xưởng gần 300 triệu máy chỉ trong năm ngoái. Và để làm được điều đó, họ cần đến một mạng lưới sản xuất khổng lồ để sản xuất đến 1/4 lượng smartphone bán ra toàn cầu mỗi năm.
Công ty có nhà máy ở một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, điện thoại Samsung sản xuất ở đâu cũng không khác biệt quá lớn, bởi công ty luôn duy trì một tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất, áp dụng trên tất cả nhà máy trong hệ thống.
Trung Quốc
Nhiều người cho rằng Trung Quốc là nơi sản xuất nhiều điện thoại Samsung Galaxy nhất. Từ trước tới nay, Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Apple cũng sản xuất một lượng lớn iPhone tại đây. Chưa kể các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đang từng bước thống trị thị trường smartphone.
Trên thực tế, Samsung đã đóng cửa nhà máy smartphone cuối cùng còn lại tại Trung Quốc vào năm nay. Kể từ năm 2019, công ty không sản xuất bất kỳ chiếc điện thoại nào tại Trung Quốc. Trước đó, họ sở hữu 2 nhà máy, nhưng vì thị phần của công ty tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã giảm xuống dưới con số 1%, nên họ buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Việc sản xuất điện thoại tại Trung Quốc không còn đáp ứng được những tiêu chí về mặt tài chính. Đó là lý do Samsung quyết định ngừng lại.
Việt Nam
Việt Nam mới thực sự là nơi phần lớn điện thoại Samsung được chế tạo. Hai nhà máy sản xuất của Samsung đặt tại tỉnh Thái Nguyên, với các sản phẩm chính là smartphone, tablet, và thiết bị đeo (wearable). Dự kiến công ty sẽ xây dựng thêm một nhà máy khác để tăng sản lượng tại Việt Nam. Các nhà máy hiện tại đã và đang cho ra khoảng 120 triệu máy mỗi năm. Hầu hết nguồn cung của Samsung trên toàn cầu, bao gồm cho các thị trường như Bắc Mỹ và châu Âu, đều đến từ Việt Nam.
Đặc biệt, CEO Han Jong-hee cho biết Samsung đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỉ USD trong thời gian tới.
Ấn Độ
Ấn Độ không chỉ có nhà máy sản xuất di động lớn nhất của Samsung, mà còn là nhà máy điện thoại di động lớn nhất trên thế giới tính theo sản lượng. Công ty đã xây dựng nhà máy tại Noida, Uttar Pradesh, Ấn Độ vào năm 2018. Sản lượng của nhà máy này hiện đạt 120 triệu máy mỗi năm.
Phần lớn smartphone sản xuất tại Ấn Độ được dành cho chính thị trường này. Đây là một trong những thị trường smartphone sinh lợi hàng đầu đối với Samsung. Với thuế nhập khẩu khá cao tại quốc gia này, Samsung cần sản xuất tại địa phương để có thể cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ về mặt giá thành. Ấn Độ là nơi sản xuất các smartphone Galaxy dòng M và A. Tuy nhiên, Samsung có thể xuất khẩu các smartphone sản xuất tại Ấn Độ sang các thị trường như châu Âu, châu Phi, và Tây Á.
Hàn Quốc
Samsung đương nhiên đang vận hành một số nhà máy sản xuất tại quê nhà Hàn Quốc. Đây cũng là nơi các công ty vệ tinh của họ sản xuất hầu hết các linh kiện để láp ráp điện thoại. Tuy nhiên, nhà máy sản xuất smartphone của Samsung tại Hàn Quốc chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số thiết bị bán trên toàn cầu. Các máy sản xuất tại đây chủ yếu dành cho thị trường nội địa.
Brazil
Samsung điều hành một nhà máy sản xuất ở Brazil. Nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 1999, với hơn 6.000 nhân viên, chủ yếu cung cấp smartphone cho thị trường châu Mỹ Latin. Vì Brazil cũng có thuế nhập khẩu khá cao, nên sản xuất tại chỗ cho phép Samsung bán máy tại các thị trường này với mức giá cạnh tranh hơn.
Indonesia
Indonesia là một mắt xích khác trong mạng lưới sản xuất điện thoại của Samsung. Nhà máy này đi vào hoạt động trong năm 2015, có công suất khoảng 800.000 máy mỗi năm - vừa đủ để Samsung đáp ứng nhu cầu nội địa.
Những thay đổi trong tương lai
Thị trường smartphone đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc dần trở thành những đối thủ cạnh tranh hàng đầu trong mọi phân khúc thị trường. Samsung phải tìm cách thích nghi với điều đó khi áp lực đang ngày một tăng.
Đó là lý do họ có kế hoạch chuyển đổi trọng tâm sản xuất. Samsung đã tung ra mẫu smartphone ODM đầu tiên, Galaxy A6s, vào năm 2019. Thiết bị này được sản xuất bởi một bên thứ ba dành cho thị trường Trung Quốc. Giải pháp ODM cho phép Samsung cải thiện lợi nhuận biên đối với các thiết bị giá rẻ. Ước tính sẽ có khoảng 60 triệu smartphone ODM được Samsung xuất xưởng trong tương lai gần, đến các quốc gia trên toàn cầu.
Sự chuyển hướng mạnh mẽ sang mô hình ODM đồng nghĩa Samsung sẽ không cần tất cả các nhà máy của họ phải đạt sản lượng tối đa, trừ khi nhu cầu trên thị trường smartphone tăng cao và thị phần của họ có khả năng lớn mạnh hơn.
Tham khảo: SamMobile
Lấy link