Việt Nam thay đổi nhanh chóng sau 25 năm kết nối Internet

Quyết định mở cửa, kết nối Internet toàn cầu cách đây 25 năm là sự dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa, tích cực hội nhập, góp phần thay đổi toàn diện cuộc sống kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành TT&TT.


Sáng 7/12, tại Hà Nội, Cục Viễn thông, Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ TT&TT) và Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức chương trình kỷ niệm 25 năm Internet Việt Nam và Ngày Internet (Internet Day) 2022.


Sau 25 năm, kể từthời điểm khai trương dịch vụ - ngày 19/11/1997, Internet Việt Nam đã hình thành và có những bước phát triển vượt bậc.


Quyết định mở cửa Internet là sự dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa


Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, vào năm 1997, số người sử dụng Internet tại Việt Nam chỉ hơn 200.000. Đến năm 2002, con số này lên tới 3 triệu người.


Đến năm 2007, lượng người dùng đã tăng lên 20 triệu, gấp 7 lần và chiếm 24% dân số cả nước. Đến nay, Việt Nam đã có 72,1 triệu người dùng Internet, xếp thứ 13 thế giới.


Chương trình 25 năm Internet Việt Nam và Internet Day 2022. Ảnh: Trọng Đạt

Sau 36 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành một điểm sáng tăng trưởng với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có nỗ lực đảm bảo tự do Internet.


“Trong 25 năm qua, sự phát triển của Internet ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và đổi mới. Rõ nét nhất là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên Internet, đem lại sự thay đổi thần tốc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa…”, ông Vũ Hoàng Liên nói.


Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Internet bây giờ không chỉ cho mọi người mà còn cho mọi vật, cho mọi lĩnh vực, mọi ngành, của cả kinh tế, xã hội, văn hóa… Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


“Internet là một trong những thành tố quan trọng nhất để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây thực sự đã trở thành một trong những hạ tầng quan trọng nhất, thiết yếu nhất của nhân loại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong đoạn video gửi đến sự kiện.


Tại sự kiện, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp đã cùng cam kết về tương lai bền vững của Internet Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, việc mở cửa, kết nối Internet toàn cầu cách đây 25 năm là một quyết định dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa, hội nhập, góp phần thay đổi toàn diện cuộc sống kinh tế, xã hội đất nước của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành Thông tin và Truyền thông.


Việt Nam tuy bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu nhưng sau 25 năm, đã vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực và thế giới. Giờ đây, Việt Nam trở thành một nước mạnh về viễn thông – Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet cao.


Thành tựu đạt được của 25 năm Internet Việt Nam kết tinh từ sự chỉ đạo, định hướng phát triển chiến lược của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng, hưởng ứng, chung tay xây dựng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Internet Day 2022. Ảnh: Trọng Đạt

Sự phát triển ngoạn mục của hạ tầng Internet Việt Nam


Ở thời điểm hiện tại, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc. 19,79 triệu hộ gia đình Việt Nam đã có cáp quang, chiếm 72,4%.


Hệ thống cáp quang triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản và 100% trường học. Việt Nam hiện có 94,2 triệu thuê bao smartphone di động. Số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, chiếm tỷ lệ 74,3% dân số.


Chia sẻ về thực trạng tài nguyên Internet, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Internet Việt Nam cho hay, Việt Nam hiện có hơn 564.000 tên miền “.vn”, đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


Bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Internet Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Mức độ sử dụng địa chỉ IP (IPv4, IPv6) của Việt Nam thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng, lọt top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6.


Đánh giá về sự phát triển của Internet Việt Nam, ông Paul Wilson - Giám đốc Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho rằng, Internet Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng mặt. Tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.


Ông Gustavo Fuchs - Giám đốc khu vực về Giải pháp và Công nghệ của Google Cloud Asia Pacific. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Gustavo Fuchs - Giám đốc khu vực về Giải pháp và Công nghệ của Google Cloud Asia Pacific dự báo tương lai của Internet là dành cho tất cả mọi người.


Các tổ chức, chính phủ và người dân đều được hưởng lợi ích mà Internet mang lại. Google tin tưởng vào tương lai của Internet và đồng hành cùng hỗ trợ sự phát triển của Internet Việt Nam.


Trọng Đạt


Việt Nam thay đổi nhanh chóng sau 25 năm kết nối Internet Câu hỏi cân não trước giờ cho mở Internet vào Việt NamNguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nói rằng, Việt Nam có thể mở Internet sớm hơn, nhưng phải chuẩn bị cẩn thận cả về kỹ thuật, nhân lực, chính sách và quan trọng nhất là mặt tư tưởng.