Ngày 29/11/2022, Google thông báo cấp phép mô hình nghiên cứu dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để sàng lọc bệnh ung thư vú của mình cho công ty công nghệ y tế iCAD. Mục tiêu của cả hai là triển khai công cụ này trong môi trường lâm sàng thực tế vào năm 2024. Tuy nhiên việc triển khai thương mại thì vẫn phải chờ thêm các nghiên cứu và thử nghiệm.
Trước đó Google tự phát triển công cụ AI xác định ung thư vú. Đến năm 2020, các nhà nghiên cứu của Google công bố một nghiên cứu trên tạp chí Nature về chủ đề này. Cụ thể, họ phát hiện thấy hệ thống AI của mình có thể xác định các dấu hiệu ung thư vú tốt hơn một số bác sĩ X quang. Mô hình này giúp giảm đến 9,4% kết quả âm tính giả và 5,7% kết quả dương tính giả trong số hàng nghìn lần chụp nhũ ảnh.
Với màn hợp tác lần này, iCAD sẽ tích hợp mô hình nghiên cứu AI chụp nhũ ảnh của Google vào những công cụ đang sẵn có của mình.
Công cụ đầu tiên có tên là “ProFoundAI” với khả năng phân tích hình ảnh từ chụp cắt lớp tuyến vú kỹ thuật số (DBT - một kỹ thuật chụp ảnh tiên tiến, đôi khi được xem là chụp nhũ ảnh 3D). Công cụ sẽ quét các hình ảnh từ DBT, sau đó tiến hành xác định mật độ các mô mềm ác tính và độ vôi hóa.
Công cụ thứ hai mà iCAD mong muốn kết hợp với Google là một công cụ đánh giá rủi ro. Theo giới thiệu, công cụ này có thể đưa ra ước tính nguy cơ ung thư vú riêng biệt cho từng cá nhân.
Công cụ này có thể đưa ra ước tính nguy cơ ung thư vú riêng biệt cho từng cá nhân
Mục đích của thương vụ hợp tác giữa Google và iCAD là đưa AI trở thành một công cụ để hỗ trợ bác sĩ X quang phát hiện và chẩn đoán ung thư vú.
Tuy nhiên nhìn chung chuyên gia y tế đang tiếp cận với AI bằng một thái độ thận trọng nhất định, bởi vì AI không phải là thước đo vàng. Chẳng hạn trong nghiên cứu năm 2020 của Google, có một số trường hợp công cụ không phát hiện ra, thế nhưng bác sĩ X quang lại phát hiện ra.
Không chỉ vậy, hiện nay không có một tiêu chuẩn nhất định để xác định xem thế nào là bị ung thư vú, thế là là không bị. Trong khi đó để phát triển thuật toán, thì người ta cần những số liệu, công thức chính xác.
Vậy nên hiện nay thay vì chỉ đưa ra nhận định “mắc ung thư” hoặc “không mắc ung thư”, thì các công cụ AI kiểu này nên cung cấp nhiều hơn 2 kết quả, đặc biệt để giải thích cho những “vùng xám trong chẩn đoán”, tức là những lúc kết quả có thể gây phân vân. Ngoài ra không nên dựa hoàn toàn vào AI, bởi vì bác sĩ còn cần phải đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân thì mới đưa ra kết luận chính xác được, đặc biệt khi đang sàng lọc ung thư giai đoạn đầu.
Trong một động thái riêng biệt, Google cho biết họ đang hợp tác với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh và Đại học Hoàng Gia London để đánh giá thử liệu công nghệ AI của họ có thể hoạt động như một “đầu đọc độc lập thứ hai” trong quá trình đọc kết quả chụp nhũ ảnh 2 lần (tức là kết quả chụp nhũ ảnh sẽ được 2 bác sĩ riêng biệt đánh giá riêng biệt nhằm nâng cao độ chính xác của việc chẩn đoán) hay không. Như vậy các bác sĩ vừa có thể tập trung vào những ca cần ưu tiên, vừa có thể duy trì được độ nhất quán và chất lượng của việc sàng lọc.
Lấy link