Kể từ thời điểm Elon Musk lên nắm quyền tại Twitter sau thương vụ trị giá 44 tỷ USD, mạng xã hội này đã lâm vào tình cảnh hỗn loạn chưa từng có. Những nội dung mang tính tiêu cực, phân biệt chủng tộc, ngôn từ kích động… được chia sẻ tràn lan trên Twitter, nhưng được biện hộ dưới vỏ bọc "tự do ngôn luận", là tiêu chí mà Elon Musk đang muốn Twitter nhắm đến.
Sự hỗn loạn trên Twitter khiến mạng xã hội này đối mặt với một nguy cơ hiện hữu, đó là Twitter hoàn toàn có thể bị xóa khỏi kho ứng dụng App Store dành cho nền tảng iOS, vì vi phạm các chính sách của Apple.
Apple từ lâu có những chính sách nghiêm ngặt về kiểm duyệt các ứng dụng trên App Store, một trong những nguyên tắc hàng đầu đó là "an toàn cho người dùng".
"Khi mọi người cài đặt một ứng dụng từ App Store, họ muốn cảm thấy rằng đó là một hành động an toàn và các ứng dụng đó không chứa các nội dung gây khó chịu hoặc xúc phạm", Apple nêu rõ trong bộ quy tắc về các ứng dụng trên App Store.
Vào tuần trước, người từng nắm chức giám đốc marketing trong nhiều năm và hiện nằm trong ban cố vấn của Apple - Phil Schiller đã bất ngờ xóa tài khoản Twitter của mình. Động thái của Schiller được đưa ra không lâu sau khi Elon Musk chỉ trích Apple về khoản thu phí đối với các nhà phát triển ứng dụng và gọi đây là "khoản thuế ẩn trên Internet".
Rõ ràng Apple hoàn toàn có thể gỡ bỏ Twitter khỏi kho ứng dụng của mình với lý do "vi phạm quy tắc người dùng" và Google cũng sẽ thực hiện động thái tương tự trên kho ứng dụng Google Play dành cho nền tảng Android.
Một khi đã bị xóa bỏ khỏi các kho ứng dụng như App Store và Google Play vì vi phạm chính sách, các ứng dụng sẽ rất khó được quay trở lại. Điều này sẽ trở thành "cơn ác mộng" của Twitter nếu thực sự xảy ra.
Bản thân Elon Musk cũng thừa nhận nguy cơ Twitter có thể bị gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng di động lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vị tỷ phú này cũng đã có phương án dự phòng, đó là sẽ xây dựng một nền tảng di động và smartphone riêng để thay thế cho iPhone và Android.
"Rõ ràng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra, nhưng nếu như vậy, sẽ không còn lựa chọn nào khác và tôi sẽ tạo ra một chiếc điện thoại thay thế", Elon Musk viết trên trang cá nhân về nguy cơ Twitter bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng App Store và Google Play.
Việc xây dựng một nền tảng di động riêng không chỉ giúp Elon Musk và Twitter tránh nguy cơ bị "cấm cửa" trên iOS và Android, mà còn giúp Twitter tối ưu hóa được lợi nhuận của mình, vì không phải chia hoa hồng cho Apple và Google từ các giao dịch mua bán trên ứng dụng Twitter.
Chẳng hạn khi người dùng đăng ký dịch vụ tài khoản tích xanh có giá 8 USD/tháng trên ứng dụng Twitter, mạng xã hội này có thể thu trọn vẹn 8 USD từ người dùng, thay vì phải trích từ 15 đến 30% doanh thu cho Apple và Google như trước đây.
Twitter liệu có thể thành công khi xây dựng nền tảng smartphone cho riêng mình?
Hiện đang là ông chủ của hãng xe điện Tesla và hãng công nghệ hàng không vũ trụ SpaceX, có thể nói Elon Musk đã thành công khi phát triển xe điện và tàu vũ trụ, nhưng liệu vị tỷ phú này có lặp lại thành công tương tự nếu muốn đặt chân vào thị trường smartphone?
Trên thực tế, với tiềm lực tài chính và tham vọng của mình, Elon Musk có thể dễ dàng cho ra mắt một thương hiệu smartphone hoàn toàn mới, hoạt động trên một nền tảng di động riêng biệt với iOS hay Android. Tuy nhiên, để sản phẩm được người dùng đón nhận là điều không hề dễ dàng.
Vấn đề ở đây chính là nền tảng di động mà sản phẩm sẽ sử dụng. Người dùng đã quá quen thuộc với Android và iOS, với kho ứng dụng hết sức đa dạng, vậy thì có lý do gì để họ chuyển sang sử dụng một nền tảng di động hoàn toàn mới, với số lượng ứng dụng vẫn còn khiêm tốn?
Nếu Elon Musk xây dựng một nền tảng di động riêng để tối ưu cho mạng xã hội Twitter, thì liệu bao nhiêu người dùng Twitter sẵn sàng chuyển sang sử dụng nền tảng đó, chưa kể hiện lượng người dùng thường xuyên mỗi ngày của Twitter chỉ ở mức hơn 200 triệu, một con số quá khiêm tốn đối với thị trường smartphone.
Có thể Elon Musk đã thành công với Tesla và SpaceX, nhưng không có nghĩa là sẽ thành công trong việc xây dựng nền tảng di động riêng. Cả Tesla lẫn SpaceX đều là những hãng tiên phong trong lĩnh vực của mình (xe điện và công nghệ vũ trụ), nhưng Elon Musk đã chậm chân trong cuộc đua trên thị trường di động, khi Android lẫn iOS đều là những tượng đài quá vững chắc để có thể vượt qua.
Trước Elon Musk, nhiều ông lớn công nghệ khác như Microsoft, Huawei, Samsung hay Amazon cũng đã từng tham vọng phát triển những nền tảng di động riêng để thay thế cho Android hay cạnh tranh với iOS, nhưng đều có chung một kết cục: thất bại.
Ngoại trừ Huawei đang phải sử dụng nền tảng di động riêng do mình phát triển (dựa trên mã nguồn mở của Android) do lệnh cấm từ chính phủ Mỹ, thì Microsoft, Samsung hay Amazon đã phải tiếp tục gắn bó với nền tảng Android của Google.
Dĩ nhiên, với "chất ngông" và tham vọng của mình, Elon Musk hoàn toàn có thể bắt tay xây dựng một nền tảng di động cho riêng mình, nhưng khả năng để nền tảng này thành công và có thể cạnh tranh được với Android hay iOS là rất thấp.