Mới đây, hàng trăm công nhân đã tham gia biểu tình tại nhà máy sản xuất iPhone hàng đầu của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Những bất ổn của Foxconn nhưng lại là nỗi đau đầu của Apple...
Foxconn hiện là nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Apple.
Theo hãng thông tấn Reuters, những cảnh bất ổn tại nhà máy của nhà sản xuất iPhone theo hợp đồng lớn nhất thế giới đánh dấu sự leo thang của tình trạng bất ổn và sự thất vọng với các quy tắc phòng chống COVID tiêu cực cũng như cách xử lý tình huống không hiệu quả của Trung Quốc.
Nguyên nhân của các cuộc biểu tình, theo Reuters, được bắt đầu vào đầu ngày thứ Tư. Các công nhân, hầu hết là những người mới được tuyển dụng trong những tuần gần đây, đã đụng độ với nhân viên an ninh tại nhà máy Trịnh Châu. Nhiều người cho rằng họ đã bị lừa về các khoản trợ cấp tại nhà máy, và những người khác thì phàn nàn về việc ở chung ký túc xá với các đồng nghiệp đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID.
Tuy nhiên, những bất ổn của nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới đã âm ỉ từ khá lâu. Đầu tháng này, nhà máy sản xuất iPhone chính của Foxconn ở Trịnh Châu, liên tục phải đóng cửa nghiêm ngặt vì các trường hợp COVID-19. Khi các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng trong và xung quanh nhà máy, chính phủ Trung Quốc đã có các lệnh phong tỏa vào khoảng thời gian đầu tháng 11 vừa qua. Và giờ đây thêm một khúc mắc trong vấn đề lương thưởng có lẽ đã khiến “giọt nước tràn ly”.
Foxconn đã cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã hoàn thành các hợp đồng thanh toán và các báo cáo về nhân sự. Đồng thời nhấn mạnh rằng hoạt động sản xuất tại nhà máy không bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn của công nhân và sản lượng vẫn “bình thường”.
“Về bất kỳ hành vi bạo lực nào, công ty sẽ tiếp tục liên lạc với nhân viên và chính phủ để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra lần nữa”, công ty cho biết thêm.
Trên thực tế, nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu, hiện đang là nhà máy lớn nhất của đối tác Apple, nhà máy này đang có 200.000 công nhân với 45% doanh thu của Foxconn đến từ Apple. Cơ sở này hiện đang chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn dòng iPhone 14, lên đến 80% số lượng, theo nhà phân tích cấp cao của Counterpoint, Ivan Lam cho biết.
Hồi đầu tháng, các chuyên gia phân tích cũng đã nhận định rằng ít nhất 10% thị phần sản xuất iPhone toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng khi nhà máy ở Trịnh Châu đột ngột áp dụng chiến lược “khép kín”, dẫn đến 30% sản lượng iPhone của Apple sụt giảm trong tháng 11. Đồng thời, Apple cũng đã cảnh báo rằng họ dự kiến các lô hàng iPhone 14 cao cấp sẽ xuất xưởng thấp hơn so với dự đoán trước đây.
Mặc dù tình trạng bất ổn mới nhất đã làm tăng thêm sự không chắc chắn cho mục tiêu của Foxconn, nhưng công ty cho biết họ vẫn đang nỗ lực để đạt được nó. Tuy nhiên, có một số ý kiến cũng cho rằng Foxconn khó có thể đạt được mục tiêu bởi những gián đoạn do tình trạng bất ổn gây ra, đặc biệt ảnh hưởng đến những người lao động mới được thuê để bù đắp sự thiếu hụt trong lực lượng lao động.
Cổ phiếu của Foxconn đã giảm 2% kể từ khi tình trạng bất ổn nổi lên vào cuối tháng 10.
Thomas Forte, nhà phân tích của DA Davidson cho biết, sự gián đoạn có thể khiến Apple mất một số doanh số bán iPhone trong quý nghỉ lễ quan trọng. Trong khi nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities cho biết, dự kiến việc ngừng hoạt động này sẽ khiến Apple mất khoảng 1 tỷ USD mỗi tuần do doanh số iPhone bị mất.
Trong quý nghỉ lễ năm ngoái, Apple đã báo cáo doanh số bán iPhone trị giá gần 6 tỷ USD mỗi tuần. Giờ đây, họ có lẽ họ đang nhìn thấy tiền rơi ra từ trong túi…
Lấy link