Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, đến hết tháng 10/2022, đã có 84 đơn vị gồm 62 địa phương và 22 bộ, ngành triển khai giải pháp phòng chống mã độc tập trung và kết nối chia sẻ thông tin về mã độc với NCSC. Số lượng đơn vị đã triển khai giám sát an toàn thông tin mạng và kết nối chia sẻ dữ liệu giám sát với NCSC đến nay là 87, gồm 63 tỉnh, thành phố và 24 bộ, ngành.
Hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã ghi nhận 517.627 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (giảm 2,49% so với tháng 9/2022). Trong số đó có 224 địa chỉ IP của cơ quan, tổ chức nhà nước - 20 địa chỉ IP bộ ngành và 204 địa chỉ IP tỉnh thành.
Trong số 20 địa chỉ IP của cơ quan, tổ chức nhà nước nằm trong mạng máy tính ma được ghi nhận trong tháng 10, Bộ Khoa học và Công nghệ có số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet nhiều nhất (8 địa chỉ); Đài Tiếng nói Việt Nam (7 địa chỉ); Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tư Pháp (1 địa chỉ).
Còn về tỉnh thành, Lai Châu có số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet lớn nhất (33 địa chỉ); tiếp đó là Thanh Hóa (18); Nam Định (12), Hà Nam (11), Hà Nội (10), Điện Biên (9), Đắk Nông (9),….
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong các tháng đầu năm nay, số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma đã liên tục giảm, từ 879.342 địa chỉ trong tháng 1/2022 xuống 704.939 trong tháng 6/2022 và con số này trong tháng 10 là 517.627 địa chỉ.
Cũng trong báo cáo kỹ thuật mới phát hành, Cục An toàn thông tin tiếp tục chia sẻ thông tin về điểm yếu, lỗ hổng tồn tại trên máy tính của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Cụ thể, hệ thống kỹ thuật của NCSC đã ghi nhận có 1.768 điểm yếu, lỗ hổng bảo mật tại hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Nhấn mạnh số lượng điểm yếu, lỗ hổng nêu trên là rất lớn, Cục An toàn thông tin còn cho biết đã chỉ đạo NCSC triển khai đánh giá, xác định lỗ hổng nguy hiểm, có ảnh hưởng trên diện rộng và hướng dẫn các bộ, ngành khắc phục.
Lấy link