Những dấu hỏi lớn
Những ngày qua, giới tài chính toàn cầu xôn xao trước thông tin sàn giao dịch tiền số FTX đứng bên bờ vực của sự sụp đổ. Và những lo ngại đã trở thành sự thực khi ngày 11/11, sàn này nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Chính Sam Bankman-Fried cũng đã từ chức. Bây giờ, ngay cả câu hỏi đơn giản nhất là SBF, tên viết tắt của Sam Bankman-Fried, đang ở đâu cũng chưa tìm thấy lời đáp.
Các nhân viên và cựu nhân viên của FTX cho biết Sam Bankman-Fried dường như biến mất. Không có bất kể lời giải thích nào và có điều gì đó không đúng ở đây.
Những sai lầm của Sam Bankman-Fried vừa mới được phanh phui nhưng nó trở nên rõ ràng và tệ hại một cách khủng khiếp. Vào ngày 11/11, đế chế của Sam Bankman-Fried chính thức rơi vào vòng xoáy phá sản sau 1 tuần sóng gió khủng khiếp nhất với thế giới tiền số. Và nó cũng gây ra những hậu quả thảm khốc với những người luôn tôn sùng Sam Bankman-Fried là J.P Morgan thời đại mới.
Liệu đây có phải khoảnh khắc Lehman Brothers của thế giới tiền số, một câu chuyện về rủi ro không thể kiềm chế? Hoặc đây có thể là điều gì đó tồi tệ hơn: Thất bại kiểu Enron vạch trần những hành vi thối nát và sai trái. Các nhà chức trách Liên bang của Mỹ đang điều tra để tìm câu trả lời.
Khi FTX đệ đơn xin bảo hộ phá sản, một câu hỏi bao trùm khác cũng được đưa ra: Liệu 1 triệu khách hàng của FTX có cơ hội lấy lại tiền của họ hay không? Nhiều người đã cảm nhận được rắc rối từ trước và tháo chạy. Tuy nhiên, số đông không có may mắn ấy. Những tên tuổi lớn ở Thung lũng Silicon, những người đã tin tưởng Sam Bankman-Fried, dường như chắc chắn cũng sẽ phải chịu những tổn thất bẽ bàng.
Những biến cố cũng đã khiến Sam Bankman-Fried từ tỷ phú USD biến thành kẻ ngập trong nợ nần. Chưa hiết, người đàn ông 30 tuổi này còn phải đối mặt với các cuộc điều tra xem anh ta có lạm dụng tiền của khách hàng hay không. Từ đối thủ không đội trời chung của tỷ phú Changpeng Zhao (CZ) và sàn Binance, SBF đã phải đề nghị CZ mua lại FTX nhưng thương vụ đổ bể ngay sau đó.
Các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhân viên và cựu nhân viên, những người có hiểu biết về FTX và các công ty chị em của nó, đã vẽ nên một bức tranh thậm chí còn tội tệ và thảm khốc hơn những gì chúng ta đang thấy. SBF, người với chiếc đầu xù đã trở thành thương hiệu, cam kết cho đi toàn bộ tài sản của mình. Các chính trị gia và cả giới truyền thông đều bị lừa. Có thể, anh ta cũng đã tự lừa chính mình.
Khoảng 2 tháng trước khi sự việc vỡ lở, SBF phải loay hoay với một câu hỏi mà hầu hết mọi người sẽ trả lời một cách đơn giản: Ông đang sống ở đâu? Câu trả lời mà mọi người nhận được lại chẳng có chút giá trị nào. SBF nói rằng mình chủ yếu ngủ trong một chiếc túi ngủ.
“Tôi đang ở đâu ư. Tôi không biết. Về mặt kỹ thuật, tôi sống một mình nhưng không ngủ ở đó. Tôi chủ yếu ngủ trên ghế băng và túi ngủ”, SBF trả lời với những dữ liệu không chút giá trị trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến.
Mối quan hệ phức tạp giữa FTX và Alameda
Anh ta được cho là sống trong một ngôi nhà ở Bahamas với những người bạn, bao gồm cả lãnh đạo Alameda – công ty tư nhân gần như chẳng có ranh giới nào với FTX.
Theo thông tin từ CoinDesk, SBF đã đôi lần hẹn hò với Caroline Ellison, 27 tuổi, CEO của Alameda. Trong khi đó, mối quan hệ giữa FTX và Alameda cũng là trung tâm sự sụp đổ. Ủy ban Chứng khoán Mỹ đang điều tra sự gắn bó của 2 doanh nghiệp này và xác định xem liệu FTX có dùng tiền của khách hàng sai mục đích hay không.
Hai công ty này đóng vai trò khác nhau trong đế chế của SBF. FTX là công cụ giao dịch, cho phép khách hàng gửi tiền và mua bán hơn 300 mã tiền số. Nó cũng cung cấp các đòn bẩy tài chính khác. Trong vai trò là sàn tiền số lớn thứ 2 thế giới, FTX rất nổi tiếng, thậm chí còn tài trợ cho cả các đội bóng bầu dục hàng đầu của nước Mỹ và thường xuyên xuất hiện quảng cáo trong các trận đấu kinh điển.
Ngược lại, Alameda chủ yếu hoạt động sau cánh gà. Nó có khoảng 30 nhân viên nhưng thu về 1 tỷ USD lợi nhuận năm ngoái. SBF thành lập Alameda vào năm 2017 sau khi rời công ty cũ. FTX ra đời 2 năm sau đó.
Kết hợp một công ty với một sàn giao dịch là rất rủi ro. Để giữ an toàn cho tiền gửi của khách hàng, các chức năng này cần được tách biệt. Trong thị trường tài chính truyền thống, đây là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, điều này không tồn tại trong thị trường tiền số, vốn còn non trẻ và thiếu các rào cản pháp lý.
Và những điều đáng sợ đã xảy ra. Việc hai công ty này có quan hệ tài chính phức tạp và mờ ám đã kích hoạt cú sập. Sự hỗn loạn bùng nổ hôm 6/11 khi CEO Binance Changpeng Zhao (CZ) đã tuyên bố thanh lý toàn bộ lượng FTT đang nắm giữ trị giá hơn 500 triệu USD. FTT chính là token của sàn FTX. Nó hiện tại đã mất gần hết giá trị với số phận tương tự như Luna.
CZ cũng đã có ý định tiếp quản lại FTX. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, Binance tuyên bố quay xe khi nói rằng vấn đề của FTX “nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng hỗ trợ” của họ. CZ gọi đây là một ngày buồn và không quên chèn biểu tượng cảm xúc đang khóc.
Kết cục tồi tệ được báo trước
Trong khi các vấn đề của FTX mới chỉ được công chúng quan tâm trong những ngày gần đây, hành vi của SBF được cho là đã gây lo lắng trong nhiều tuần qua. Tại FTX, ngay cả các cấp phó thân cận nhất cũng đã không thấy mặt Bankman-Fried trong ít nhất một tháng. Sự vắng mặt này khiến việc trả lương gặp khó khăn.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng này. Các vấn đề với tiền lương bắt đầu từ mùa xuân, khi tiền thưởng bị trì hoãn. Từ đó tới nay, FTX trả lương bằng cách sử dụng token của FTX, thứ mà giờ chẳng còn mấy giá trị.
Với những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng thanh khoản và thậm chí là trước đó, dòng tiền thông minh đã thoát ra. Các nhà tạo lập thị trường nổi tiếng và cả các quỹ đầu cơ đã bắt đầu rút hàng triệu USD từ FTX từ trước. Tuy nhiên, việc rút tiền, vốn thường chỉ mất vài giây nhưng giờ cần tới vài giờ để thực hiện, càng làm dấy lên những quan ngại với vấn đề phía sau.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều đó, bao gồm các cổ đông lớn. Ngay cả khi Binance tuyên bố thâu tóm FTX, một số nhà đầu tư và nhân viên vẫn lạc quan về tương lai của sàn này. Họ không muốn bán tài sản liên quan tới FTX cho những người mua tiềm năng. Tuy nhiên, sự lạc quan đó ngay lập tức tan biến khi Binance tuyên bố quay xe. Token FTT rơi tự do và mất phần lớn giá trị.
Các quỹ đầu tư cũng phải gấp rút kiểm đếm thiệt hại. Sequoia Capital, một trong những cái tên nổi tiếng nhất ủng hộ FTX, ghi nhận khoản lỗ sâu và coi như mất trắng. Bên cạnh khách hàng, các nhân viên FTX cũng rơi vào hỗn loạn khi cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang. Thanh khoản biến mất.
Đối với câu hỏi nhức nhối SBF đang ở đâu khi đế chế của anh ta sụp đổ? Có vẻ đã có manh mối. Cuối tháng 10, người đàn ông này đã dành thời gian ở Trung Đông để cố gắng huy động vốn. Anh ta đã họp với các quỹ chủ quyền của Ả rập Xê út và Công ty đầu tư Mubadala của Abu Dhabi. Người phát ngôn các quỹ này từ chối bình luận.
Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ không thuận lợi.
Hôm 11/11, sự sụp đổ của đế chế mà Bankman-Fried xây dựng đã xảy ra. Anh ta từ chức CEO của FTX Group sau khi nó phá sản. Tài sản từ 15,6 tỷ USD hồi đầu tuần đã trở về con số 0 tròn trĩnh. Các tổ chức từ thiện dựa vào tiền của anh ta dường như đã bị bỏ rơi. Thậm chí, Bankman-Fried còn đứng trước nguy cơ hầu tòa.
Về phần mình, khoảng 1 triệu khách hàng của FTX vẫn sẽ rơi vào tình cảnh lơ lửng. Họ sẽ không biết mình có nhận lại tiền được không và nếu có là khi nào. Các nhân viên của FTX cũng không khác là mấy.
Tham khảo: Bloomberg
Lấy link