Cũng bị sa thải nhưng nhân viên Twitter đang kiện công ty này vì mất việc quá bất ngờ.
Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg vừa thông báo cắt giảm hơn 11.000 nhân sự, đồng thời tự nhận mình là người chịu trách nhiệm trong đợt sa thải lớn đầu tiên trong lịch sử phát triển 18 năm của gã khổng lồ truyền thông xã hội.
Việc cắt giảm, tương đương khoảng 13% nhân sự, được tiết lộ vào ngày hôm qua. Zuckerberg sau đó có cuộc trò chuyện với các nhân viên may mắn ở lại, yêu cầu họ cảm ơn những người mất việc, đồng thời lưu ý rằng các nhân viên bên ngoài Bắc Mỹ sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn trong tương lai. Được biết Meta sẽ kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng, theo Bloomberg.
"Tôi muốn chịu trách nhiệm về những quyết định này", Zuckerberg chia sẻ trong tuyên bố gửi nhân viên Meta đăng trên trang web nội bộ. "Tôi biết điều này là khó khăn cho tất cả mọi người. Tôi đặc biệt xin lỗi những người bị ảnh hưởng trong kế hoạch sa thải này".
Chi tiết về gói hỗ trợ thôi việc đã sớm được Meta soạn thảo và gửi tới các nhân viên đang làm việc tại Mỹ. Theo Business Insider , những nhân viên này sẽ nhận được khoản bồi thường bằng 16 tuần lương cơ bản, cộng thêm 2 tuần lương ứng với mỗi năm làm việc. Khoản chi trả thôi việc được cho là khá hào phóng so với các các công ty vừa thanh lọc nhân sự trong thời gian gần đây, chẳng hạn như Twitter và Lyft.
Công ty sản xuất phần mềm Salesforce mới đây cũng cắt giảm hàng trăm nhân công, trong khi Apple, Amazon và Alphabet đều giảm hoặc tạm dừng kế hoạch tuyển dụng. Snap cũng đang thu hẹp quy mô, đồng thời cho biết sẽ loại bỏ 20% lực lượng lao động. Cùng lúc, Twitter chính thức sa thải gần 3.700 nhân sự qua email như một cách để cắt giảm chi phí sau thương vụ mua lại. Động thái trên diễn ra sau khi Musk tiết lộ việc các thương hiệu đã bắt đầu cắt giảm quảng cáo trên nền tảng này khiến doanh thu giảm mạnh.
Trong khi đó, một số nhân viên Meta may mắn được ở lại sẽ phải chia sẻ bàn làm việc như một biện pháp cắt giảm chi phí và giảm diện tích thuê văn phòng. Điều này được kỳ vọng sẽ dẫn đến một "sự thay đổi văn hóa có ý nghĩa" trong cách Meta hoạt động.
"Nhằm thu hẹp diện tích bất động sản, chúng ta sẽ chuyển sang hình thức chia sẻ bàn làm việc với những người dành phần lớn thời gian hoạt động bên ngoài văn phòng. Một vài sự thay đổi khác sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới", Zuckerberg cho biết.
Ngoài thanh lọc nhân sự, Zuckerberg khẳng định Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng.
Theo đại diện Meta, quyết định về việc ai sẽ bị sa thải được đưa ra bởi "các cấp lãnh đạo cao nhất". Các nhà quản lý trực tiếp không tham gia vào kế hoạch này, theo Bloomberg.
Sau khi bị sa thải, nhân viên Meta vẫn có quyền truy cập email để có cơ hội nói lời tạm biệt với đồng nghiệp, dù trước đó đã bị gạch khỏi hệ thống thông tin nội bộ nhạy cảm. Họ cũng sẽ tiếp tục được chi trả phí bảo hiểm trong 6 tháng, nhận trợ cấp sinh hoạt, đồng thời được công ty hỗ trợ tìm việc mới trong 3 tháng, bao gồm "quyền ưu tiên với các nhu cầu tuyển dụng chưa được công bố". Ngoài ra, 11.000 nhân viên này sẽ nhận được cổ phiếu hạn chế có hiệu lực vào ngày 15/11, đồng nghĩa với việc vẫn có thể kiếm tiền bằng cổ phiếu mặc dù đã bị sa thải.
Trước đó, Zuckerberg đã cảnh báo về kế hoạch cắt giảm chi phí và tái cấu trúc đội ngũ nhân sự nhằm thích ứng với một thị trường đang biến động. Menlo Park, công ty có trụ sở tại California, đồng sở hữu Messenger và WhatsApp, đã đóng băng tuyển dụng, đồng thời cho biết số lượng nhân viên vào năm 2023 của Meta sẽ còn ít hơn năm nay.
“Điều này chưa từng có trước đây”, Zuckerberg nói trong một buổi hỏi đáp với nhân viên hồi tháng 9. “Trong 18 năm qua, về cơ bản, chúng tôi luôn tăng trưởng nhanh hàng năm. Gần đây, việc doanh thu lần đầu tiên đi ngang và giảm nhẹ khiến chúng tôi phải điều chỉnh ”.
Tuần trước, cổ phiếu Meta đã lao dốc ngay trong phiên giao dịch sau khi tập đoàn này cảnh báo rằng khoản lỗ từ Reality Labs, một bộ phận xây dựng metaverse, sẽ tăng "đáng kể" vào năm 2023. Các nhà đầu tư cũng giật mình trước thông báo về khoản chi 39 tỷ USD trong năm tới của Meta, tức cao gấp đôi so với hồi năm 2021.
“Nếu những công ty khác xảy ra tình trạng này, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ viết thư và đề xuất phương án thay thế giám đốc. Tôi nghĩ Mark hiểu rất rõ những gì các nhà đầu tư muốn, song vẫn đưa ra quyết định của mình”, Jim Tierney, giám đốc đầu tư tăng trưởng tại AllianceBerntein, một cổ đông của Meta, cho biết.
Sự tức giận đã lan sang các cuộc họp ban lãnh đạo, nơi Zuckerberg tham dự với tư cách cá nhân kể từ khi Meta gây chấn động Phố Wall với kế hoạch chi tiêu khủng của mình. Financial Times trích lời một chuyên gia cho biết: “Có vẻ như cảm giác thất vọng của các nhà đầu tư đang dâng cao hơn bao giờ hết”.
Đáp lại, Zuckerberg trấn an các nhà đầu tư, mong họ chờ đợi trong kiên nhẫn trong khi bản thân rót hàng tỷ USD vào tầm nhìn metaverse. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nỗ lực này đòi hỏi sự đầu tư chuyên sâu vào phần cứng và quá trình nghiên cứu, vậy nên sẽ không thể “hái quả ngọt” trong ngắn hạn.
Lấy link