Hai quả trứng hóa thạch đến từ một loài khủng long mới. Các nhà khoa học suy đoán như vậy dựa theo kích thước trứng lớn, kết cấu vỏ trứng và hình tròn đặc biệt, theo nghiên cứu công bố hôm 25/8 trên tạp chí Palaeogeography. Những quả trứng chứa nhiều cụm tinh thể calcite.
Theo nhóm nghiên cứu, chúng đến từ thành hệ Chishan ở lưu vực Tiềm Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc vào đầu kỷ Phấn Trắng (145 - 66 triệu năm trước). Họ đặt tên cho loài khủng long đẻ trứng mới là Shixingoolithus qianshanensis.
Tương tự bò sát và chim hiện đại, phần lớn khủng long sinh sản bằng cách đẻ trứng. Rất khó xác định loài khủng long nào đẻ trứng do phôi thai bên trong gần như chưa bao giờ được lưu giữ, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ. Do đó, các đặc điểm khác của trứng như kích thước, hình dáng và cấu tạo khoáng chất, được sử dụng để phân loại trứng khủng long. Trứng khủng long đầu kỷ Phấn Trắng ở Trung Quốc có đặc điểm là số lượng lớn, đa dạng và phân bố rộng.
Do ảnh hưởng của phong hóa, phần ngoài cùng của vỏ trứng và lớp thứ hai không được bảo quản trong hai quả trứng mới phát hiện ở Tiềm Sơn. Một quả trứng thậm chí bị hư hỏng, để lộ tinh thể calcite bên trong.
Theo một nghiên cứu vào năm 2014 trên tạp chí Cretaceous Research, trứng của loài Shixingoolithus có thể nở thành khủng long chân chim, loài khủng long ăn cỏ đi bằng hai chân và dài 1,8 - 9 m tính từ đầu tới đuôi. Chúng sống từ đầu kỷ Phấn Trắng tới cuối kỷ Cổ Cận. Nhiều khả năng loài khủng long này đã bị tuyệt diệt trong sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng do thiên thạch đâm xuống Chicxulub gây ra cách đây 66 triệu năm.
An Khang (Theo Newsweek)
- Ổ trứng khủng long hóa thạch 60 triệu năm