Theo bài đăng trên EurekAlert hôm 24/8, bộ xương khổng lồ của sinh vật được phát hiện tình cờ khi một chủ sở hữu bất động sản ở Pombal tiến hành các công việc xây dựng ngay tại sân sau nhà. Người này đã lập tức liên hệ với chuyên gia để khai quật và trong một nghiên cứu vào tháng 8, các nhà cổ sinh vật học từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cho biết đây có thể là phần còn lại của loài khủng long lớn nhất ở châu Âu.
Dựa vào các mảnh xương sườn và đốt sống được tìm thấy, họ xác định hóa thạch thuộc về một con khủng long chân thằn lằn trong chi Brachiosauridae. Nó cao khoảng 12 m và dài tới 25 m. Chỉ riêng chiếc xương sườn đã dài 3 m.
Chi Brachiosauridae, còn được gọi là "uyển long", bao gồm các loài khủng long ăn cỏ khổng lồ sống từ kỷ Jura đến kỷ Phấn trắng cách đây khoảng 100 đến 160 triệu năm. Chúng đặc trưng bởi chiếc cổ rất dài và có hai chân trước lớn hơn hai chân sau.
"Thông thường, chúng ta không tìm thấy tất cả xương sườn như vậy. Chúng thậm chí vẫn giữ nguyên vị trí giải phẫu ban đầu. Mẫu vật này tương đối hiếm trong hồ sơ hóa thạch khủng long, đặc biệt là đối với khủng long chân thằn lằn từ kỷ Jura muộn ở Bồ Đào Nha", tác giả chính Elisabete Malafaia, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Lisbon, nhấn mạnh.
Các nhà khảo cổ cho rằng có thể còn những mảnh khác của bộ xương chưa được phát hiện ở xung quanh, vì vậy họ có kế hoạch quay trở lại vào năm sau.
Trước đây cũng có nhiều phát hiện hóa thạch ở Pombal, cho thấy khu vực này có hồ sơ phong phú về khủng long và các loài động vật có xương sống khác. "Chúng đã bổ sung dữ liệu quan trọng để hiểu rõ hơn về động vật tiền sử sinh sống trên bán đảo Iberia trong kỷ Jura muộn", Malafaia nói thêm.
Đoàn Dương (Theo Phys/CBS News)
- Loạt dấu chân khủng long phát lộ do hạn hán
- Spinosaurus - quái vật gây tranh cãi nhất lịch sử