Tượng đồng được phát hiện hồi tháng 7 năm ngoái, nhưng nhóm khảo cổ không thể nhấc lên khỏi hố đất cho tới hôm 24/8, sau khi dọn hết những đồ vật bằng đồng khác ở bên trên bức tượng. Con vật bằng đồng này có kích thước lớn nhất trong số cổ vật khai quật trong suốt nhiều thập kỷ ở di chỉ, nặng khoảng 150 kg và có phần miệng lớn, eo nhỏ, tai to và 4 móng guốc.
Theo Zhao Hao, nhà khảo cổ ở Đại học Bắc Kinh phụ trách hố đất chứa bức tượng, mọi con vật bằng đồng khác phát hiện tại Tam Tinh Đôi từ khi bắt đầu quá trình khai quật vào thập niên 1980 đều cao 20 - 30 cm. Riêng con vật này có kích thước rất lớn, cả chiều cao và chiều rộng đều khoảng một mét.
Tượng người gắn trên chiếc sừng trên đầu quái vật mặc áo choàng dài, dường như đang cưỡi hoặc điều khiển con vật. Một đồ tạo tác hình người khác nằm bên cạnh con vật bị mất phần đầu. Các tượng người ở nhiều tư thế khác nhau cũng được tìm thấy gần đó. Zhao suy đoán ban đầu chúng được gắn vào thân quái vật đồng. Ông và cộng sự cũng chú ý tới hình cây thần đúc trên ngực con vật, chứng tỏ người dân ở Tam Tinh Đôi tôn thờ cây thần. Họ suy đoán có một đồ vật lớn hơn đính trên lưng quái vật đồng chưa được khai quật.
Là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 20, di chỉ Tam Tinh Đôi được cho là nằm ở trung tâm nước Thục có niên đại khoảng 4.500 năm. Nhưng các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy ghi chép về quốc gia này. Giới nghiên cứu xác định di chỉ ở thành phố Quảng Hán vào cuối thập niên 1920 nhưng mãi tới những năm 1980, công tác khai quật mới bắt đầu. Các nhà khảo cổ tìm thấy hai hố mai táng chứa hơn 1.700 cổ vật, trong đó có hơn 400 đồ tạo tác nhóm A có giá trị cao nhất về mặt lịch sử và văn hóa.
Quá trình khai quật tạm dừng vào năm 2002 và bắt đầu lại vào năm 2020 sau khi đội khảo cổ nhận dạng thêm 6 hố mai táng nữa. Từ sau đó, họ đã phát hiện thêm 13.000 cổ vật, bao gồm bệ thờ bằng đồng với tượng người, tượng đồng đầu người mình rắn và tượng đồng hình rồng mũi lợn. Đợt khai quật mới nhất sẽ hoàn tất trong tháng 9/2022, sau đó các nhà khảo cổ sẽ bắt đầu tu sửa, phân loại và nghiên cứu đồ tạo tác.
An Khang (Theo SCMP)
- Vại đồng hàng nghìn năm đựng đầy ngọc bích
- Khai quật đầu tượng đồng đeo mặt nạ vàng