Nghiên cứu công bố hôm 24/8 trên tạp chí Royal Society Open Science cho thấy số lượng cá nàng tiên sụt giảm nhanh từ thập niên 1970 đến nay và không có ghi chép hay bằng chứng nào về loài này từ năm 2008. Chúng đang bị đe dọa trên toàn cầu bởi những hoạt động của con người như đánh bắt cá, va chạm với tàu thuyền và mất môi trường sống.
Các nhà khoa học bảo tồn đến từ Hiệp hội Động vật học London (ZSL) và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tiến hành khảo sát và xem xét dữ liệu phân bố trong lịch sử trước khi rút ra kết luận trên. Theo giáo sư Samuel Turvey, đồng tác giả nghiên cứu, sự biến mất của cá nàng tiên tại Trung Quốc là mất mát to lớn. Sự vắng mặt của chúng không chỉ ảnh hưởng tới chức năng sinh thái mà còn là đóng vai trò như hồi chuông cảnh báo tuyệt chủng có thể xảy ra trước khi phát triển biện pháp bảo tồn hiệu quả.
Cá nàng tiên (Dugong dugon) hay còn gọi là cá cúi hoặc bò biển, là động vật biển có vú ăn cỏ, có thể dài tới 3 m. Chế độ ăn của chúng chỉ bao gồm cỏ biển. Cá nàng tiên sinh sống ở miền nam Trung Quốc trong hàng trăm năm. Ngoài ra, chúng còn sống ở vùng ven biển từ Đông Phi tới Vanuatu và những quần đảo ở tây nam Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng là loài dễ bị đe dọa trên toàn cầu và nằm trong danh mục Dễ tổn thương của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Chúng cũng là loài vật được bảo vệ ở cấp cao nhất tại Trung Quốc.
Để kiểm tra tình trạng bảo tồn, các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát cá nàng tiên ở 66 cộng đồng ngư dân ở Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến. Thông qua khảo sát phỏng vấn, họ thu thập dữ liệu hữu ích không có sẵn trước đây để đánh giá tình trạng của cá nàng tiên trong vùng.
Dù hướng đến dữ liệu về những lần cá nàng tiên xuất hiện gần đây ở Biển Đông, nhóm nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của chúng. Họ đề xuất đánh giá lại tình trạng bảo tồn của cá nàng tiên và chuyển chúng sang nhóm "cực kỳ nguy cấp".
Nghiên cứu mới đánh dấu động vật biển lớn đầu tiên tuyệt chủng về mặt chức năng ở vùng biển Trung Quốc. Lý do tiềm ẩn cho sự sụt giảm cả cá nàng tiên là do chúng phụ thuộc vào tảo biển cả về môi trường sống và nguồn thức ăn. Tảo biển đang nhanh chóng xuống cấp do tác động của con người. Khôi phục và hồi sinh tảo biển là ưu tiên hàng đầu ở Trung Quốc, nhưng những dự án này cần thời gian để mang lại hiệu quả đối với loài vật.
An Khang (Theo Mail)
- Xác cá mập trắng bị moi gan dạt vào bờ biển Nam Phi