Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi ca ngợi các dự án này là bước tiến quan trọng trong nỗ lực "tăng cường sự phụ thuộc vào năng lượng tái tạo hiệu suất cao" ở quốc gia vùng Vịnh, một trong những nước sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Theo tập đoàn năng lượng Qatar Energy, hai nhà máy mới sẽ đặt tại Mesaieed và Ras Laffan, nơi hiện nay là những cơ sở chính cho sản xuất khí đốt tự nhiên của đất nước và đang trong quá trình mở rộng. Khi đi vào hoạt động, chúng sẽ tăng sản lượng năng lượng mặt trời của Qatar lên 1,67 gigawatt vào cuối năm 2024.
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc sẽ dẫn đầu việc xây dựng các nhà máy với vốn đầu tư ban đầu hơn 600 triệu USD, Qatar Energy cho biết trong một tuyên bố.
Dù tụt hậu so với các quốc gia vùng Vịnh khác trong cuộc đua điện tái tạo, Qatar đã công bố mục tiêu đạt 5 gigawatt công suất năng lượng mặt trời vào năm 2035.
Tháng trước, họ đã đưa trang trại điện mặt trời Al-Kharsaah 800 megawatt vào lưới năng lượng quốc gia. Nhà máy này dự kiến hoạt động đầy đủ trước khi đại hội bóng đá World Cup 2022 khởi tranh vào ngày 20/11.
Các nhà tổ chức đã sử dụng nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ ở phía tây Doha để ủng hộ tuyên bố Qatar sẽ tổ chức kỳ World Cup không phát thải carbon ròng đầu tiên, nơi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được bù đắp bằng các nguồn năng lượng tái tạo.
Cát và bụi sa mạc bám vào các tấm pin mặt trời ở Al-Kharsaah được robot làm sạch mỗi ngày. Qatar Energy cho biết hệ thống tương tự sẽ được sử dụng cho hai trang trại mới ở Mesaieed và Ras Laffan.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Châu Âu tìm cách sản xuất điện mặt trời trong vũ trụ
- Trung Quốc xây nhà máy quang - thủy điện lớn nhất thế giới