Hơn 1h ngày 22/8, chị Ngô Thị Tuyết Linh và người thân đang ngủ tại một nhà hàng cách thác Khe Kèm, xã Lục Dạ (huyện Con Cuông) gần 2 km thì nghe tiếng động. Họ mở cửa thì thấy một con voi đang quật ngã 5 cây chuối ở khuôn viên để ăn.
Các thành viên trong gia đình đốt lửa nhằm xua voi, khoảng 20 phút sau voi âm thầm rời đi. "Con voi khá hiền lành. Gần một tuần trước, voi cũng từng tới đây song không gây thiệt hại", chị Linh nói.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc vườn quốc gia Pù Mát cho biết, con voi người dân bắt gặp này là cá thể cái sống lẻ bầy tại khu vực này đã hàng chục năm.
Toàn vườn Pù Mát rộng hơn 94.000 ha, trải dài trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương (Nghệ An). Nơi đây đang có 13 con voi, trong đó đàn đông nhất khoảng 8 con.
Nhiều năm trước, voi rừng ở Pù Mát từng vào ăn chuối, mía của hộ dân tại xã Phúc Sơn (Anh Sơn).
Voi là động vật có vú thuộc họ Elephantidae, là động vật trên cạn lớn nhất hiện nay. Voi ở Pù Mát là loài voi châu Á (Elephas maximus) bộ có vòi (Proboscidea) thường sống ở rừng thứ sinh (rừng hỗn giao tre nứa). Vào mùa khô hiếm nước và thức ăn, một ngày voi có thể di chuyển trên 30 km. Thức ăn của chúng được Vườn quốc gia Pù Mát đã thống kê có 62 loài, trong đó có 51 loài cây rừng và 11 loài cây trồng.
Hải Bình