Khởi đầu là một startup thương mại điện tử, OpenCommerce Group - tiền thân là Beeketing, sau 10 năm đã trở thành công ty công nghệ triệu đô cung cấp các giải pháp thương mại điện tử nói chung và thương mại xuyên biên giới nói riêng. Hơn hai năm sau khi ra mắt, hệ sinh thái công nghệ ShopBase đã giúp hơn 86.700 người đến từ 195 quốc gia kinh doanh thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu, đạt 670 triệu USD giá trị GMV. Tháng 2/2022, OpenCommerce Group huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A dẫn dắt bởi kỳ lân công nghệ VNG cùng sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.
Công ty cũng có trụ sở tại Hong Kong, Trung Quốc, Hoa Kỳ… Tầm nhìn của OCG là cung cấp một giải pháp công nghệ toàn diện hỗ trợ các cá nhân và SME đưa sản phẩm Việt Nam đến với người sử dụng và doanh nghiệp toàn cầu.
Để đến được ngày hôm nay, CEO 9x đã trải qua nhiều lần "đập đi xây lại" trong suốt 10 năm lập nghiệp. Nhưng với niềm ham mê học hỏi và khát khao cống hiến cho cộng đồng, Quân đã luôn tìm ra cách để thích ứng sau mỗi thất bại để dần thực hiện được ước mơ của mình: giúp được nhiều người nhất có thể.
Anh có thể chia sẻ hành trình lập nghiệp của mình?
Tôi sinh năm 1990 và bắt đầu học code từ những năm cấp 2. Khoảng 2005 - 2007, tôi bắt đầu mò mẫm và tham gia một số diễn đàn hacker - công nghệ. Giai đoạn này đã cho tôi lần đầu được tiếp xúc các vấn đề bảo mật trên internet và khiến tôi quyết định chọn thi vào đại học Công nghệ vào năm 2008.
Đáng tiếc là tôi lại thi trượt! Trong khi chờ nhập học vào nguyện vọng 2 là Đại học Công nghệ bưu chính viễn thông, tôi quyết chí ngồi nhà học code và bắt đầu nhận các công việc freelance với khách hàng bên châu Âu, giúp họ lập trình web.
Nhà tôi là gia đình rất hoàn cảnh. Tôi vẫn nhớ khi mình bắt đầu kiếm được tiền nhờ làm freelance (nghề tự do) hồi đại học, mẹ bảo: "Con phải kiếm được đủ tiền trả tiền đại học đã, còn sau đấy muốn tiêu gì thì tiêu". Hồi mới bắt đầu dự án, nhà tôi cũng không có internet. Vậy nên khi muốn nói chuyện với khách hàng, tôi phải ra quán internet từ sáng sớm để gặp họ qua mạng, rồi tối về code ở nhà.
Tôi làm công việc đó trong suốt 4 năm đầu đại học, đến năm cuối tôi xây dựng được một nhóm 5 người. Năm 2012, khi chuẩn bị ra trường thì đội bạn này mỗi người đi làm một nơi, tôi quyết định lập công ty để bắt đầu thuê người. Chứ thực ra tôi cũng chẳng định mở công ty đâu (cười).
Lập công ty rồi thì tôi bắt đầu làm một sản phẩm tên là Siêu Web - một công cụ tạo website cho thị trường Việt Nam. Sản phẩm không thành công. Chúng tôi không tạo ra được lợi nhuận tốt nên đã bán sản phẩm này cho một doanh nghiệp khác.
Năm 2014, tôi lại chạy một sản phẩm tên là Beeketing và tham gia một chương trình accelerator (Chương trình tăng tốc khởi nghiệp hỗ trợ các công ty ở giai đoạn early-stage bằng cách cung cấp chương trình đào tạo, cố vấn và nguồn vốn) của Topica và được một quỹ bên Mỹ là 500 Startups đầu tư. Năm 2015, chúng tôi chuyển sang Mỹ và mở văn phòng bên đó.
5 năm sau, tôi bắt đầu quan sát thấy thị trường e-commerce xuyên biên giới đang phát triển vô cùng mạnh. Đến giữa 2019, tôi bắt đầu dự án ShopBase và tiếp tục đến nay.
Nguồn vốn ở đâu để anh khởi nghiệp?
Nguồn vốn lập doanh nghiệp của tôi thời gian đầu là nhờ tích cóp qua việc đi code freelance với nhóm bạn. Với Beeketing, tôi phải bỏ ra 400 triệu đồng. May mắn thay là tính đến giờ chỉ số tăng trưởng của OpenCommerce Group cũng khá tốt. Hiện tại công ty cũng có gần 400 nhân sự, có văn phòng tại ba nước Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Trong năm vừa rồi Tổng lượng hàng hóa giao dịch trên sàn (GMV) cũng đạt 400 triệu USD.
Anh có thể giới thiệu về mô hình kinh doanh của OpenCommerce Group không?
Hai năm qua, thị trường e-commerce xuyên biên giới đã bùng nổ, với số đơn hàng tăng lên rất nhanh. Song song với đó, việc vận chuyển hàng trực tiếp giữa các nước cũng dễ dàng nhờ chi phí giảm và tốc độ chuyển hàng tăng. Tranh thủ bối cảnh đấy, tôi tạo ra một số nền tảng giúp các nhà kinh doanh nhỏ lẻ có thể bắt đầu bán hàng sang các thị trường tiêu thụ cao như Mỹ và châu Âu mà không gặp phải nhiều rào cản.
Thông qua hệ sinh thái công nghệ của OCG, bất cứ ai cũng có thể bắt đầu kinh doanh mô hình dropshipping và print-on-demand (in theo yêu cầu), trong đó người bán có thể bán sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng mà không cần đầu tư hàng hóa lưu kho hay lo lắng đến các khâu quản lý vận hành phức tạp.
Vậy công việc của người bán hàng sẽ là gì? Họ sẽ chọn các sản phẩm muốn bán từ một danh sách do ShopBase cung cấp và sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng bá sản phẩm. Sau khi có đơn, họ sẽ báo lại ShopBase. ShopBase sau đó sẽ làm việc trực tiếp với bên sản xuất và giao hàng để chuyển sản phẩm đến với người mua hàng. Dù cho đơn hàng nhỏ, chúng tôi cũng sẽ giúp họ xử lý.
Tất cả các sản phẩm đều đi kèm các công cụ tự động hóa giúp người bán quản lý đơn hàng, marketing, vận chuyển, thanh toán, và mọi công đoạn cần có để công việc kinh doanh trực tuyến phát triển hiệu quả.
Vì sao anh lại chuyển hướng từ ứng dụng Beeketing, một nền tảng marketing sang các sản phẩm sàn thương mại điện tử như ShopBase?
Ngắn gọn thì ở Beeketing chúng tôi đứng trên vai người khổng lồ, và đến 2019 chính sách của người khổng lồ thay đổi khiến doanh thu của chúng tôi đi xuống (cười). Vậy nên chúng tôi đưa ra quyết định: trở thành người học sinh ngoan ngoãn và nghe theo mọi yêu cầu của ông lớn hoặc bỏ công xây dựng lại mọi thứ và sẽ có được quyền tự quyết sau này. Từ 2019, chúng tôi lựa chọn xây dựng nền tảng của riêng mình. Bài học rút ra ở đây là không nên dựa dẫm nhiều vào người khổng lồ.
Giai đoạn đầu lập nghiệp, ứng dụng Siêu Web của team đã thu hút được 90.000 người trong chỉ hơn một năm nhưng không thu được một đồng nào. Anh đã rút ra kinh nghiệm gì từ những thất bại ở những năm đầu tuổi trẻ?
Gọi là không thu được đồng nào thì cũng không đúng lắm (cười). Nhưng đúng là doanh thu vô cùng thấp: một đội 20 người mà chỉ thu về 1.000 – 2.000 đô/tháng. Thế là lỗ vốn.
Nhìn lại thì mắc rất nhiều lỗi. Đầu tiên phải kể đến việc "giấu ý tưởng". Tôi cứ nghĩ là ý tưởng của mình độc đáo và hay ho lắm. Vậy nên trước khi ứng dụng ra mắt, tôi quyết không kể với ai về ý tưởng, kể cả những người bạn thành công của mình vì sợ bị lấy mất. Đó là lỗi của tôi khi không nghĩ thoáng ra và sẵn sàng chia sẻ với mọi người.
Lỗi thì hai là tôi quá cố gắng để ứng dụng hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Là kỹ sư với suy nghĩ cầu toàn, tôi chọn những công nghệ rất khó và phức tạp, dẫn đến thời gian xây dựng sản phẩm vô cùng lâu. Một so sánh để mọi người dễ hình dung: Nền tảng ShopBase hiện tại chỉ mất 4 tháng để cho ra phiên bản đầu tiên, trong khi ứng dụng website kéo thả lại mất gần một năm. Chúng tôi cứ đập đi rồi làm lại. Đây cũng là điểm yếu của nhiều bạn kỹ sư khi xây dựng công ty.
Cuối cùng, lỗi nghiêm trọng nhất là tôi vẫn tư duy như một lập trình viên mà không phải một người kinh doanh. Tôi không biết phải xây dựng team bán hàng thế nào, nói chuyện với khách hàng ra sao. Thậm chí, chỉ đến sau khi đã bán công ty đi rồi tôi mới lần đầu gặp khách hàng cũ của mình để lắng nghe họ chia sẻ. Hóa ra nguyện vọng của họ rất khác với những gì mình nghĩ.
Được biết OpenCommerce Group có một nhà đầu tư thiên thần là người Nhật. Anh có thể kể về quá trình gặp nhà đầu tư đó và tại sao họ lại quyết định rót vốn cho OpenCommerce Group mặc dù đây là một doanh nghiệp rất trẻ không?
Nhà đầu tư này tên là Hajime Hotta. Tôi biết đến Hajime vào 2014 qua một người bạn là nhân viên của bác. Lần đầu gặp ông, tôi cũng không biết gọi vốn để làm gì, chỉ nghĩ là startup muốn tăng trưởng thì phải có vốn thôi (cười). Tôi nói với ông rằng Beeketing có nhu cầu nhận đầu tư, và trình bày về triển vọng phát triển của ứng dụng. Ông Hajime nghe xong thì có vẻ không được thuyết phục và quyết định từ chối đầu tư. Mọi chuyện tưởng thế là hết. Bỗng hai tháng sau, Hajime Hotta quay lại để hỏi về tình trạng của công ty. Sau khi nghe tôi trình bày về mức tăng trưởng vượt bậc chỉ trong hai tháng, ông tin tưởng và quyết định đầu tư.
Bài học rút ra là dù có nhà đầu tư hay không mình sẽ vẫn làm, miễn là sản phẩm và mô hình kinh doanh của mình tốt. Việc các startup đặt vị thế nhà đầu tư quá cao có lẽ không còn đúng nữa. Một khi nhà đầu tư đã thích bạn, bạn nên đặt họ ở vị thế ngang hàng và tập trung vào cốt lõi sản phẩm của bản thân thay vì dành quá nhiều công sức cưng chiều họ. Như vậy thì việc gọi vốn cũng dễ dàng hơn nhiều.
OpenCommerce Group đang phát triển với tốc độ rất nhanh, một người lãnh đạo như anh làm thế nào để "lớn cùng" doanh nghiệp?
Việc trau dồi kiến thức là rất quan trọng với tôi. Sở thích của tôi là đọc sách. Mỗi tháng tôi đọc 5 quyển sách với mọi chủ đề từ lịch sử, văn hóa, quản trị, dinh dưỡng, vv. Đối với cá nhân, tôi phải luôn xác định trong ba tháng tới mình sẽ muốn trang bị kiến thức gì và đọc sách liên quan đến chủ đề đó. Bill Gates có một cách là khi muốn tìm hiểu chủ đề gì, ông sẽ đọc ba cuốn sách liên quan chủ đề đó rồi đưa ra quyết định. Tôi cũng đã học và làm theo. Bên cạnh đó cũng phải biết đi hỏi han những người có chuyên môn nữa.
Đối với quy mô doanh nghiệp, tôi cũng phải xây dựng một văn hóa phát triển bản thân. Ở OpenCommerce Group mỗi người quản lý cuối tháng sẽ chấm điểm cho nhân sự, trong đó có một điểm là "phát triển bản thân". Mỗi quản lý sẽ xác định với nhân viên của mình những kỹ năng họ còn thiếu và đặt ra mục tiêu học tập cho nhân sự. Vì điểm này sẽ được tính ra thành hệ số lương, nên nếu ai chăm chỉ phát triển bản thân sẽ được tăng lương, còn ai lười biếng sẽ bị đánh giá kém.
Tầm nhìn của anh trong ba năm tới là gì?
Tất nhiên là một doanh nghiệp thì ai cũng muốn tăng trưởng, trở thành công ty tỷ đô, kỳ lân công nghệ, vv. Tuy nhiên ngẫm lại quá khứ, có những khi tài sản cá nhân tôi tăng lên mà tôi cũng không hạnh phúc hơn nhiều. Điều quan trọng là mình phải đạt được mục tiêu có ảnh hưởng và mang giá trị đến cộng đồng. Ở OpenCommerce Group, giá trị đấy nằm ở việc chúng tôi giúp các nhà buôn ở châu Á dễ dàng cạnh tranh sòng phẳng với những người bán hàng ở châu Âu hay Mỹ.
Việt Nam hay Trung Quốc đều là những phép màu kinh tế, với tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ giảm rất nhiều chỉ trong 30 năm qua. Tất cả điều này đạt được nhờ vào xuất khẩu xuyên biên giới. OCG muốn tiếp tục phát triển mảng này để giúp người bán hàng từ các nước sản xuất dễ dàng bán ra nước ngoài, nâng tầm giá trị kinh tế thu về và từ đó, chúng tôi sẽ giúp được rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp vươn mình ra biển lớn.
Đây cũng là động lực cho đội ngũ trong quá trình ra mắt nền tảng mới nhất - PlusBase, là giải pháp toàn diện dành riêng cho người bán Dropshipping. Dù thời gian ra mắt muộn hơn dự kiến đến 6 tháng, bỏ lỡ mùa cao điểm mua sắm của năm 2021 nhưng nền tảng mới đã nhận được sự ủng hộ từ người dùng và ghi nhận mức tăng trưởng vượt mong đợi. Đây là một bài học lớn cho đội ngũ và cũng là động lực để OpenCommerce Group (OCG) nỗ lực hơn nữa trên hành trình thúc đẩy TMĐT XBG trở nên vượt trội hơn.
Trong giai đoạn 2022 - 2025 tại Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng mình vẫn còn rất nhiều điểm cần làm tốt hơn, vì sản phẩm của chúng tôi cũng mới chỉ 3 năm tuổi, so với các đối thủ đã tồn tại từ lâu trên thị trường thì đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Tuy nhiên, nguồn lực dày dặn kinh nghiệm, làm việc theo lý tưởng chung cùng đam mê hướng tới mục tiêu phát triển của tập thể đã và đang đưa ShopBase cùng các sản phẩm khác trong hệ sinh thái OpenCommerce Group đi theo đúng lộ trình đặt ra. Đội ngũ sáng lập OCG đã từng có thời gian làm việc tại Silicon Valley và tôi thấy rằng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tạo ra những sản phẩm công nghệ ngang tầm thế giới, đồng thời với mục tiêu tận dụng lợi thế về sản xuất, khả năng xuất khẩu của Việt Nam vào sản phẩm, chúng tôi tin rằng mình có thể tạo ra một xu hướng mới, ngành nghề mới và phát triển công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế cho thị trường Việt. Chúng tôi tận dụng lợi thế về nhân sự công nghệ chất lượng, chi phí hợp lý, cũng như kết hợp với các đối tác cùng mục tiêu để chinh phục người dùng, chinh phục thị trường.
|
|
Định nghĩa thành công của anh là gì?
Một, là giúp được nhiều người nhất có thể. Hai, là bản thân mình thấy hạnh phúc. Nhìn lại hành trình bền bỉ từ một sinh viên ngành công nghệ thông tin nhà nghèo phải ra hàng internet để kết nối với khách hàng, cũng đã từng thất bại không ít lần, đến nay là CEO và founder một startup bán hàng xuyên biên giới kêu gọi vốn hàng triệu USD từ các quỹ quốc tế, anh đúc kết được gì từ bản thân và muốn chia sẻ với các bạn hiện nay cũng đang ấp ủ một giấc mơ vươn ra biển lớn?
Ngày xưa tôi rất ngại giao tiếp, không biết nói năng thế nào. Cách giải quyết của tôi: kém gì thì đọc sách về cái đó. Không biết tán tỉnh một cô gái thế nào? Đọc sách. Không biết nói chuyện với nhân viên thế nào? Đọc sách. Nhiều người sẽ bảo là cách này không có tác dụng đâu, nhưng với tôi thì vô cùng hiệu quả.
Vậy nên với các kỹ sư, nếu đọc sách phù hợp với bạn thì các bạn nên thử. Khi tìm vào thế giới của sách vở, bạn sẽ thấy những con người gặp hoàn cảnh giống mình và cách họ vượt qua trở ngại. Từ đó, bạn sẽ rút ra được bài học cho mình và xử lý được vấn đề của bản thân.
Tôi cũng là người không ngại khó ngại khổ. Tôi đã làm ngày làm đêm, một mình bằng sức 3, 4 người khác. Nên nếu ai bảo phải sống lành mạnh từ mười năm trước để bây giờ trẻ khỏe hơn thì cũng không đúng lắm. Điều quan trọng là mình phải thích nghi với bối cảnh thay đổi.
Với những bạn trẻ bắt đầu startup thì như tôi đã nói, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân. Hãy bắt đầu suy nghĩ thấu đáo về ý tưởng và mục tiêu của mình. Muốn startup thì đầu tiên là phải start đã.
(Theo Trí Thức Trẻ)