Thị trường smartphone có nhiều phân khúc khác nhau, từ bình dân đến cao cấp, phù hợp cho nhu cầu đa dạng của mọi người. Trong khi chất lượng của smartphone giá rẻ ngày càng được cải thiện, số liệu thống kê cho thấy xu hướng lựa chọn điện thoại cao cấp tăng liên tục trong những năm qua.
Smartphone cao cấp chiếm hơn 1/4 thị trường
Trước khi tìm hiểu lý do của việc này, hãy xem xét thực trạng qua các số liệu thống kê. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, hơn 1/4 điện thoại bán ra trong năm 2021 thuộc phân khúc cao cấp, giá trên 400 USD.
|
Apple chiếm 60% thị phần smartphone cao cấp bán ra trong năm 2021. Ảnh: Counterpoint.
|
Thị phần của nhóm này đã tăng nhanh trong 5 năm qua, từ 19% (2016) lên 27% vào năm ngoái. Makeuseof cho rằng xu hướng sẽ kéo dài sang 2022 và những năm tiếp theo.
Không có gì ngạc nhiên khi phần lớn thuộc về Apple. Năm 2021, gã khổng lồ công nghệ Mỹ nắm giữ 60% thị phần smartphone cao cấp. Theo sau họ là Samsung (17%), Huawei (6%), Xiaomi (5%), Oppo (4%), Vivo (3%). Những thương hiệu khác chiếm 4% còn lại. Thành công gần đây của Apple tại thị trường Trung Quốc đã đóng góp vào chiến thắng áp đảo này.
Vậy, tại sao người dùng có xu hướng mua smartphone cao cấp thay vì chọn điện thoại tầm trung giá rẻ?
Mua điện thoại đắt hơn có thể là cách tiết kiệm hơn
Smartphone cao cấp, đắt tiền không phải là sản phẩm dành cho mọi người. Tuy nhiên, Makeuseof cho rằng trên thực tế nó sẽ tiết kiệm hơn điện thoại giá rẻ, nếu xét về việc sử dụng lâu dài.
Có 3 lý do chính khiến người dùng muốn nâng cấp điện thoại của họ, bao gồm máy bị chai pin, phần mềm không được nâng cấp và nhu cầu sử dụng tính năng mới. Tất cả điều này khiến cho smartphone cao cấp là lựa chọn khôn ngoan ngay từ đầu.
|
Về lâu về dài, mua smartphone cao cấp sẽ tiết kiệm hơn. Ảnh: Shutterstock.
|
Nếu mua một smartphone bình dân, sau 2-3 năm hiệu suất sử dụng, camera và ngoại hình nói chung đều xuống mức "trung bình". Trong khi đó, với smartphone cao cấp, bạn vẫn cảm thấy mọi thứ tốt sau khoảng thời gian này. Phần cứng vẫn đảm bảo và phần mềm tiếp tục được hỗ trợ.
Giá thay pin vào khoảng 25-100 USD, bạn sẽ tiết kiệm khá nhiều vì không phải liên tục mua điện thoại mới.
Có thêm nhiều lựa chọn
Các thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với smartphone giá rẻ. Giờ đây, họ đã mở rộng phân khúc và đưa ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm cao cấp. Điều này giúp người dùng có thêm lựa chọn.
Như thống kê của Counterpoint ở trên, Xiaomi, Vivo và Oppo chiếm tỷ lệ nhất định trong thị trường smartphone cao cấp. Họ mang đến những sản phẩm đủ sức cạnh tranh với flagship của Samsung, có thông số kỹ thuật ấn tượng, chất lượng hoàn thiện ngày càng cao và một số tính năng đặc biệt, thú vị.
|
Điện thoại Trung Quốc chen chân vào thị trường smartphone cao cấp. Ảnh: Makeuseof.
|
Phần lớn thương hiệu smartphone của Trung Quốc không phổ biến tại Mỹ (ngoại trừ OnePlus), nhưng họ có vị thế vững chắc tại thị trường châu Á. Đây là cơ sở để Xiaomi, Vivo, Oppo… chuyển đổi chiến lược, đẩy mạnh quảng bá cho những smartphone cao cấp của mình.
Người tiêu dùng ngày càng thông thái
Không giống với 10 năm trước, ngày nay người dùng smartphone có nhiều thông tin hơn và hiểu rõ nhu cầu của bản thân. Trên thị trường đa dạng, họ có xu hướng tìm đến sản phẩm phù hợp thói quen sử dụng.
Với sự gia tăng của các nhà sáng tạo nội dung và ấn phẩm nói về chủ đề công nghệ, người mua có thể dễ dàng xem video hoặc đọc bài báo để so sánh 2 hoặc nhiều điện thoại mà họ yêu thích và đưa ra quyết định mua tốt hơn.
Khi xã hội ngày càng tiến bộ và cuộc sống phụ thuộc nhiều vào công nghệ, mọi người sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các thiết bị điện tử tiêu dùng, không chỉ smartphone. Điện thoại giá rẻ hiện nay khá hoàn thiện, nhưng có một số tính năng chỉ xuất hiện trên smartphone cao cấp.
Phần lớn thị trường điện thoại vẫn thuộc về phân khúc bình dân và tầm trung. Đa số mọi người tìm được sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ bản ở mức giá này. Tuy nhiên, vì những lý do nói trên và nhiều vấn đề khác, người dùng trên toàn thế giới sẵn sàng chi thêm để có được trải nghiệm cao cấp.
(Theo Zing)