Đối với các tài xế công nghệ đang di chuyển khắp mọi ngóc ngách tại Bengaluru, Ấn Độ để chở người và hàng hóa, thời gian là yếu tố sống còn trong công việc của họ. Thế nhưng thay vì chạy trên những chiếc xe xăng thường thấy, phương tiện chủ yếu của họ lại là các xe điện dùng pin. Đó là vì những chiếc xe này chỉ mất vài phút để đổi pin thay vì chờ hàng chục phút cho việc sạc điện.
Sagyarani, 38 tuổi, tài xế công nghệ cho hãng MetroRide, đang lấy ra từ trong các trạm đổi pin tự động của startup Sun Mobility, chạm chìa khóa xác thực của mình để mở một khoang trống, đặt vào đó viên pin đã cạn và lấy ra một viên pin đã được sạc đầy. Mỗi khối pin này giúp chiếc xe hoạt động thêm vài giờ nữa trên đường. Không chỉ thời gian, một lợi thế khác của hình thức này là giá cả: nó chỉ tốn 50 rupee (khoảng 16.000 đồng) cho mỗi lần đổi pin, bằng ½ so với giá 1 lít xăng.
Xe điện hoán đổi pin: dịch vụ đổi đời cho tài xế Ấn Độ
Được tiên phong từ Trung Quốc, công nghệ hoán đổi pin đã giúp thay đổi hoạt động của bà Sagyarani. Thông thường, bà phải sạc đầy 3 khối pin Lithium-Ion để chiếc xe điện của mình có thể chạy được khoảng 80km sau mỗi ca làm kéo dài 5 giờ. Dù mỗi khối pin này nặng đến 13kg và không dễ để nhấc nó lên, nhưng bà Sagyarani cho rằng: "Hoán đổi pin là tiện lợi nhất khi tôi chỉ mất 5 phút là có thể tiếp tục di chuyển."
Không chỉ mang lại các lợi ích rõ ràng cho những lái xe như Sagyarani, hoạt động hoán đổi pin đang được xem như một trong những cách giúp Ấn Độ điện hóa lực lượng xe hai bánh và ba bánh đông đảo nhất thế giới của nước này – một bước đi quan trọng nếu quốc gia này muốn giảm lượng khí thải tại một số thành phố ô nhiễm nhất thế giới hiện nay.
Nhưng với ô tô, mọi việc lại không suôn sẻ như thế. Đó là do tốc độ thay đổi của công nghệ pin cũng như sự miễn cưỡng của các nhà sản xuất ô tô trong việc áp dụng chung một tiêu chuẩn thiết kế. Các trở ngại này khiến Ấn Độ đang đi sau các quốc gia như Trung Quốc và Anh trong việc phổ biến ô tô điện.
Trên thực tế, việc đổi pin ô tô điện vẫn chưa thực sự phổ biến bên ngoài Trung Quốc, một phần vì những chiếc xe điện này phải được sản xuất trên quy mô rất lớn để đạt được lợi nhuận, một phần khác vì các chủ xe điện ở Mỹ và châu Âu có xu hướng sạc điện ở nhà hơn là đi trên đường.
Trong khi đó, đại đa số chủ xe điện ở Trung Quốc – thị trường xe điện lớn nhất thế giới hiện nay – đang sống ở chung cư và không dễ tìm được nơi để sạc điện cho xe của mình. Theo Bloomberg, hoạt động hoán đổi pin xe điện đã nở rộ khi các công ty như Nio Inc và Geely Automobile lên kế hoạch xây dựng 26.000 trạm đổi pin đến năm 2025.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Ấn Độ, nhưng đối với xe điện hai bánh và ba bánh. Với dân số khoảng 1,3 tỷ người, nhưng hiện tại toàn Ấn Độ mới chỉ có 1.640 trạm sạc xe điện, tập trung phần lớn tại 9 thành phố lớn. Đã có lần một chủ xe đạp điện ở Bengaluru phải dắt chiếc xe của mình lên phòng chung cư tầng 5 để sạc trong khu bếp vì ở dưới nhà không được có điểm sạc điện nào.
Điều này đang mở đường cho sự phổ biến của các trạm đổi pin tại quốc gia này. Hiện tại việc hoán đổi pin chủ yếu dành cho 1,5 chiếc xe kéo điện – chiếm tới 83% tổng lượng xe điện đang hoạt động tại nước này.
Trở ngại vẫn còn đối với ô tô điện
Do các viên pin hoán đổi này thường có phạm vi hoạt động thấp hơn, nó phù hợp hơn với những chiếc xe điện tốc độ thấp hơn là những chiếc sedan hay SUV chạy điện, vốn cần các khối pin lớn để có phạm vi hoạt động xa hơn.
Ngoài ra các nhà sản xuất ô tô cũng không muốn phải tiêu chuẩn hóa thiết kế pin trên xe của mình – một yếu tố quan trọng trong hướng thiết kế xe điện và khác biệt hóa thương hiệu. Một số nhà phát triển pin còn phản đối việc chuẩn hóa thiết kế các khối pin trong tương lai gần vì cho rằng công nghệ đang phát triển nhanh chóng và Ấn Độ có thể chuyển sang các loại pin Natri-Ion hiệu quả cao hơn và thân thiện với môi trường hơn loại pin Lithium-Ion hiện tại.
Nhưng trước khi chính phủ gây sức ép lớn hơn cho mạng lưới hoán đổi pin, các doanh nhân đã bắt tay vào cuộc.
Chetan Maini, người phát minh ra chiếc xe điện đầu tiên của Ấn Độ, đã thành lập nên Sun Mobility từ năm 2017 nhằm giải quyết 3 trở ngại lớn của ô tô điện – chi phí ban đầu cao, phạm vi hoạt động ngắn và thời gian sạc lâu. Từ đó startup này đã thu hút vốn từ những công ty kinh doanh dầu bao gồm Vitol Group và Bosch Ltd. Hiện startup này có kế hoạch mở rộng mạng lưới hoán đổi pin của mình từ 70 lên 600 trạm tại Ấn Độ vào cuối năm nay.
Được thành lập vào năm 2018, một startup khác có tên RACEnergy cũng nhắm đến thị trường này với việc bán ra các bộ dụng cụ để chuyển đổi xe kéo chạy xăng thành xe điện có thể hoán đổi pin.
Trong khi phần lớn các startup tập trung vào những xe ba bánh chạy điện do các nhà hãng gọi xe vận hành, Bounce Infinity lại tung ra chiếc xe máy chạy điện dành cho người dùng cá nhân và đang có kế hoạch đầu tư hơn 100 triệu USD để mở rộng mạng lưới hoán đổi pin của mình.
Tham khảo Bloomberg
https://genk.vn/chi-mat-2-phut-gia-re-bang-1-2-lit-xang-dich-vu-doi-pin-dang-thay-doi-ca-nganh-xe-dien-an-do-20220324153925413.chn Lấy link