"Twitter đóng vai trò là quảng trường công cộng thành phố. Việc không tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận về cơ bản làm suy yếu nền dân chủ. Nên thực hiện những gì?", Elon Musk vừa tweet.
Elon Musk cho biết trong một tweet ngày 25/3 rằng "tự do ngôn luận là điều cần thiết cho nền dân chủ đang hoạt động" và đặt câu hỏi liệu Twitter có "tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này hay không".
Động thái này đến sau khi Elon Musk thực hiện cuộc thăm dò trên Twitter hỏi người dùng liệu họ có tin rằng Twitter tuân thủ nguyên tắc tự do ngôn luận hay không. Đáng chú ý là hơn 70% bỏ phiếu "không". "Kết quả của cuộc thăm dò này sẽ rất quan trọng.
"Kết quả cuộc khảo sát rất quan trọng. Hãy bỏ phiếu thật cẩn thận", ông viết vào ngày 25/3. Elon Musk trả lời câu hỏi của người dùng Twitter về việc liệu ông có cân nhắc xây dựng một nền tảng truyền thông xã hội bao gồm một thuật toán nguồn mở, một nền tảng ưu tiên ngôn luận tự do và nơi tuyên truyền là tối thiểu.
Theo Reuters, nếu quyết định tạo ra một nền tảng mới, Elon Musk sẽ tham gia vào danh mục đầu tư ngày càng tăng của các công ty công nghệ đang tự định vị mình là nhà vô địch về tự do ngôn luận và hy vọng sẽ thu hút những người dùng cảm thấy quan điểm của họ bị kìm hãm trên các nền tảng như Twitter, Facebook, YouTube.
Đến nay, Truth Social của ông Donald Trump, Gettr, Parler và Rumble vẫn chưa thể chiếm được sự quan tâm của công chúng hay đạt được mục tiêu về tự do ngôn luận của mình.
Tuần trước, Elon Musk vừa gửi kiến nghị lên Tòa án liên bang Manhattan nhằm hủy bỏ thỏa thuận năm 2018, cho rằng kiểm soát nội dung đăng lên Twitter trở nên không hiệu quả và cản trở tự do ngôn luận của ông. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sau đó đã bác bỏ yêu cầu này. Do đó, các bài viết trên Twitter của ông sẽ tiếp tục bị SEC theo dõi và phải được phê duyệt trước khi đăng.
Tranh cãi giữa Elon Musk với SEC bắt nguồn từ tuyên bố của cơ quan quản lý này, rằng CEO Tesla đã lừa dối các nhà đầu tư vào ngày 7/8/2018. Thời điểm đó, Musk đăng bài lên Twitter, khẳng định rằng ông đã được "đảm bảo nguồn vốn" để tư nhân hóa Tesla, song trên thực tế, giao dịch này vẫn chưa hoàn tất. Tesla khi đó đồng ý nộp 20 triệu USD tiền phạt cho SEC, trong khi Elon Musk chấp nhận rời chiếc ghế chủ tịch như một cách xoa dịu dư luận.
Sau đó, CEO Tesla nhiều lần cáo buộc SEC "quấy rối" ông bằng các cuộc điều tra triền miên nhằm cố trừng phạt cho sự tự do ngôn luận trên các dòng Tweet. Đáp lại, phía SEC cho rằng họ có thẩm quyền lớn và "mục đích hợp pháp" để điều tra cả Elon Musk lẫn Tesla.
“Elon Musk phàn nàn về số lượng các cuộc điều tra của SEC và cho rằng đó là hành vi quấy rối. Tuy nhiên, xét trên những vi phạm mà Musk và Tesla đã thực hiện, những yêu cầu SEC đưa ra đều hoàn toàn chính đáng”, đại diện SEC cho biết.
Không chỉ tự do phát ngôn về cổ phiếu Tesla và nhiều đồng tiền số meme, Elon Musk trước đó còn dùng Twitter để công khai "mỉa mai" Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi liên tục "bơ đẹp" hãng xe điện đứng đầu thế giới.
Ông gọi Tổng thống Biden là "con rối’’, cho rằng vị lãnh đạo này đã "bị công đoàn chi phối’’, nhất là sau khi chính quyền Joe Biden đề xuất gói kích cầu xe điện, song chỉ áp dụng với những người mua xe được sản xuất bởi công đoàn.
Tham khảo: Bloomberg, Reuters
Lấy link