Theo Reuters, hàng chục nghìn người có thể sẽ bị sa thải trong những tháng tới tại Alibaba và Tencent. Đây sẽ là một trong những đợt sa thải lớn nhất từ trước đến nay của các công ty.
Rất nhiều nhân viên công nghệ tại Tencent, Alibaba và ByteDance nói rằng họ không chắc liệu các báo cáo có chính xác hay không, nhưng họ đã chuẩn bị tinh thần cho việc tinh giảm này. Tất cả đều được yêu cầu giấu tên, vì họ không được phép nói chuyện với báo chí.
Nguyên nhân của đợt sa thải này là bởi trong nhiều năm qua, những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã là lựa chọn mặc định cho những sinh viên tốt nghiệp đại học đầy tham vọng. Các tập đoàn này thậm chí được gọi là những “nhà máy lớn” cho những người muốn tìm việc. Nhưng dưới áp lực từ các cơ quan quản lý, cũng như phần đông người lao động đang tỏ ra không hài lòng về việc làm thêm giờ, cộng với việc nền kinh tế yếu kém, khiến mọi thứ có thể sẽ thay đổi.
Theo báo cáo của Reuters, “cuối cùng Alibaba có thể cắt giảm hơn 15% tổng số lao động của mình, tương đương khoảng 39.000 nhân viên, theo một trong những nguồn tin có kiến thức về các kế hoạch của công ty”.
Nguồn tin thứ hai cho biết: “Phân khúc dịch vụ tiêu dùng địa phương, bao gồm doanh nghiệp giao đồ ăn Ele.me và các dịch vụ giao hàng dựa trên bản đồ khác, có ý định sa thải tới 25% nhân viên của mình”.
Tencent cũng có kế hoạch cắt giảm nhân sự ở một số đơn vị kinh doanh, theo báo cáo này.
Trong một câu chuyện có nội dung tương tự, công ty tài chính Caixin đã đưa ra báo cáo rằng: “Nhiều người ở Tencent đã nói rằng sự dư thừa nhân sự chủ yếu tập trung vào nhóm Công nghiệp Thông minh, Điện toán đám mây, Nền tảng và Nội dung, nhưng quy mô ít hơn 30% được tuyên bố bởi các tin đồn trên thị trường.”
Một số nhân viên trong các công ty này cho biết việc cắt giảm nhân sự là việc làm thường xuyên. “Trong một công ty có hơn 100.000 người như Tencent, thường loại bỏ vài nghìn người mỗi năm”, một nhân sự của công ty này cho biết.
Cả Alibaba và Tencent đều không phản hồi các yêu cầu bình luận.
"Nếu bị sa thải, tôi sẽ cam chịu số phận và làm một điều gì đó khác trên trái đất."
Các tin đồn về việc sẽ có một đợt cắt giảm nhân sự lớn sắp đến đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc trong hơn một tuần qua. Cư dân mạng nước này đã bị sốc khi biết các nhóm công nhân công nghệ giỏi nhất ở Trung Quốc đang phải đối mặt với việc bị sa thải.
Một trong những nguồn tin của Sixth Tone cho biết các công ty công nghệ đang chuyển từ thời kỳ chi tiêu vô hạn trong cuộc đua giành thị phần. “Cuộc chiến đã kết thúc”, một nhân viên công nghệ tại ByteDance nói. “Lo lắng là điều gì đó xảy ra khi bạn vẫn đang chiến đấu. Theo đà phát triển, mọi người đều đang tìm kiếm một kết thúc tốt đẹp”.
Belina Tian, một chuyên gia săn đầu người cấp cao tại công ty săn đầu người Bo Le Associates, nói rằng cô đã thấy nhiều hồ sơ xin việc hơn đáng kể từ phía nhân viên các công ty Big Tech trong năm qua.
"Ngày càng có nhiều nhân viên công nghệ đang cố gắng chuyển sang các ngành khác, chẳng hạn như nghiên cứu chứng khoán," Tian nói.
Sau nỗ lực kéo dài một năm nhằm thực thi nghiêm ngặt hơn các quy định về quản lý Big Tech của chính quyền trung ương, các thông tin dự đoán tình trạng sa thải tại các công ty công nghệ lớn liên tục xuất hiện kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường đang tăng lên trong tuần này, với việc các cổ phiếu công nghệ niêm yết tại Hồng Kông bao gồm Alibaba và Tencent đã tăng hơn 20% sau khi cuộc họp của chính phủ Trung Quốc gửi đi những tín hiệu đáng khích lệ.
Vào tháng 2, các phương tiện truyền thông nước này đưa tin rằng công ty dịch vụ gọi xe lớn nhất cả nước Didi Chuxing có kế hoạch sa thải gần 20% nhân viên trong toàn công ty. Trong một bài báo đã bị xóa, trang LatePost báo cáo rằng việc sa thải là kết quả của lệnh cấm ứng dụng này trên các nền tảng, cũng như thị phần mua theo nhóm bị thu hẹp. Ứng dụng của Didi đã bị cấm tải xuống cho người dùng mới trong hơn nửa năm qua, sau một cuộc điều tra về quản lý dữ liệu.
Cũng trong tháng trước, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng nền tảng giao hàng Meituan đã bắt đầu cắt giảm lực lượng lao động trong bộ phận mua hàng theo nhóm cộng đồng của mình.
Và vào tháng 1, tờ The Paper đã báo cáo rằng nền tảng video ngắn Kuaishou đã sa thải khoảng 15% lực lượng lao động trong nhóm thương mại điện tử, 25% trong nhóm quốc tế hóa và 30% trong nhóm thuật toán.
Cả Didi, Meituan và Kuaishou đều không trả lời yêu cầu bình luận.
ByteDance và Weibo gần đây cũng đã phủ nhận tin đồn họ đang lên kế hoạch sa thải nhân viên.
Một số người làm việc cho những gã khổng lồ công nghệ thậm chí còn cho biết họ đang tính đến viễn cảnh bị sa thải, và coi đó là cơ hội để bắt đầu lại cuộc đời. Nhiều người cho biết họ không thích văn hóa làm việc tại các công ty công nghệ, nhưng đã cố gắng ở lại vì được trả lương cao.
“Tôi luôn cảm thấy rằng internet là viển vông, không tạo ra giá trị kinh tế thực tế. Tuy mức lương cao khiến tôi cảm thấy kỳ quái nhưng không ai làm việc vì lợi ích xã hội”, một nhân viên của Alibaba cho biết. “Miễn là tôi không bị cho nghỉ việc, tôi vẫn sẽ đi làm và được trả lương. Nếu bị sa thải, tôi sẽ cam chịu số phận và làm một điều gì đó khác trên trái đất. Cảm giác lơ lửng trên không thực sự rất tệ”.
Tham khảo Sixthtone
https://genk.vn/lan-song-sa-thai-nhan-vien-it-cuc-lon-sap-dien-ra-o-trung-quoc-20220319230358186.chn Lấy link