Ngày hôm qua, Intel đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất chip trên khắp Châu Âu, với tổng giá trị lên tới 80 tỷ EUR (khoảng 88 tỷ USD). Đây được cho là động thái nhằm vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu nói chung đang trong tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng, và cũng là để Intel có thể đối đầu với các nhà sản xuất chất bán dẫn khác nói riêng.
CEO Pat Gelsinger của Intel cho biết số tiền 88 tỷ USD này sẽ được đầu tư dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn, với thời gian giải ngân dự kiến là trong vòng 1 thập kỷ. Điều đó có nghĩa là Intel sẽ đầu tư vào cả nhà máy sản xuất chất bán dẫn và các phòng thí nghiệm, nghiên cứu và thiết kế.
“Tại sao chúng tôi phải làm như vậy? Bởi vì thế giới có nhu cầu rất lớn đối với chất bán dẫn và chip xử lý”, CEO Intel cho biết.
Nhu cầu đối với chip xử lý đã tăng lên đáng kể khi mà nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên chuỗi cung ứng lại không thể bắt kịp, do nhiều vấn đề khác nhau. Đặc biệt, Châu Âu và Mỹ đang phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất chất bán dẫn tại Châu Á, như Samsung hay TSMC.
Giai đoạn đầu của kế hoạch khổng lồ này, Intel sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 17 tỷ EUR, tại Magdeburg, Đức. Nhà máy thuộc dạng siêu to khổng lồ này sẽ có thể đi vào hoạt động vào năm 2027, tạo ra 3.000 việc làm công nghệ cao.
Tiếp theo đó, Intel sẽ đầu tư 12 tỷ EUR để mở rộng hoạt động sản xuất tại Ireland. Nhà máy tại Leixlip, Ireland của Intel sẽ tăng gấp đôi diện tích và áp dụng các dây chuyền sản xuất chất bán dẫn mới.
Bên cạnh đó, Intel cũng sẽ mở rộng và xây mới các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, thiết kế chip và cơ sở sản xuất phụ trợ tại Pháp, Ba Lan, Ý và Tây Ban Nha. Đây được xem là kế hoạch thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Intel.
Tham khảo: AP News
https://genk.vn/intel-cong-bo-ke-hoach-mo-rong-san-xuat-chip-tri-gia-toi-88-ty-usd-tren-khap-chau-au-20220317152642997.chn Lấy link