Tập đoàn Microsoft vừa cho biết sẽ mua lại "ông lớn" trong lĩnh vực trò chơi điện tử Activision Blizzard. Thương vụ trị giá 68,7 tỷ USD này được cho là màn thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay của nhà sản xuất phần mềm Microsoft, gần gấp 3 lần so với thương vụ mua lại LinkedIn hồi năm 2016.
Sau tuyên bố trên, cổ phiếu công ty Activision ngay lập tức tăng 27% trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Activision hiện là nhà phát hành của nhiều tựa game nổi tiếng như Call of Duty hay Diablo, song đang vướng phải không ít lùm xùm xoay quanh bê bối lạm dụng tình dục nội bộ vài tháng trở lại đây. Nhiều nhân viên liên quan đến cáo buộc trên đã bị sa thải.
Sau khi Activision về tay Microsoft, ông Bobby Kotick, CEO Activision, sẽ tiếp tục nắm giữ chức vụ này trong thời gian chuyển đổi. Tuy nhiên, do đang chịu nhiều chỉ trích liên quan đến vụ lùm xùm, ông Bobby được cho là sẽ sớm rời khỏi Microsoft.
Trước đó, Microsoft cũng mạnh tay rót vốn vào lĩnh vực game. Ông lớn này từng mua lại Mojang, nhà phát hành Minecraft, với giá 2,5 tỷ USD vào năm 2014. Năm ngoái, Microsoft cũng thực hiện thương vụ thâu tóm nhà phát hành game Bethesda với giá 7,5 tỷ USD.
Toan tính của Microsoft
Lần thâu tóm mới nhất được kỳ vọng có thể đóng góp phần lớn vào tầm nhìn dài hạn của Microsoft: Cạnh tranh trực tiếp với Meta (công ty mẹ Facebook) trong cuộc đua bá chủ vũ trụ ảo metaverse – lĩnh vực vốn được ứng dụng cao trong ngành công nghiệp game.
Thương vụ được kỳ vọng có thể giúp Microsoft cạnh tranh trực tiếp với Meta trong cuộc chạy đua vũ trụ ảo
Nhiều người kỳ vọng sự kết hợp này có thể tăng khả năng tiếp cận người dùng và thay thế nhiều hoạt động trực tuyến truyền thống khác. Ông Satya Nadella, CEO Microsoft, trước đó cũng đã đề cập tới tiềm năng này của metaverse:
"Khi nói về tầm nhìn đối với metaverse, chúng tôi mong muốn sẽ không chỉ có một metaverse tập trung và duy nhất. Chúng tôi cần được hỗ trợ trong nền tảng metaverse, một hệ sinh thái nội dung, thương mại và kho ứng dụng lớn”.
Sau khi thương vụ hoàn tất, Microsoft ngay lập tức sẽ tạo ra một công ty gaming lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Tencent của Trung Quốc và nhà sản xuất PlayStation Sony.
Theo ông Bobby Kotick, Activision không thể tự mình cạnh tranh trong thế giới trò chơi mới. “Hãy nhìn các công ty như Facebook, Google, Amazon hay Apple, đặc biệt là các công ty như Tencent. Họ lớn mạnh và chúng tôi nhận ra Activision cần một đối tác để có thể hiện thực hóa mục tiêu của mình".
Về phần mình, Microsoft cũng hy vọng màn hợp nhất này có thể “mang lại niềm vui và sự thống nhất khi chơi game cho tất cả mọi người”, CEO Microsoft cho biết.
Microsoft muốn tận dụng phân khúc Activision có vị thế để phát triển mảng game trên điện thoại di động
Các trò chơi trên thiết bị di động hiện là phân khúc phát triển nhanh nhất. Đây cũng là nơi Activision có vị thế. Công ty này sở hữu King - nhà sản xuất của một trong những trò chơi được yêu thích nhất mọi thời đại Candy Crush. Microsoft muốn tận dụng điều này để phát triển mảng game trên điện thoại di động.
“Tất cả chúng ta đều biết thiết bị chơi game số 1 hành tinh chính là chiếc điện thoại di động”, Phil Spencer, giám đốc Xbox, người vừa được bổ nhiệm chức vụ CEO Microsoft Gaming cho biết.
Bên cạnh đó, Microsoft cũng tham vọng xây dựng một đế chế game đủ lớn để người dùng có thể tiếp cận trực tiếp mà không cần bỏ phí thông qua các cửa hàng ứng dụng, chẳng hạn như App Store.
“Ngày nay, chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ những công ty kiếm doanh thu từ việc phân phối thay vì bán và đăng ký trò chơi như Microsoft. Vì vậy, chúng tôi cần đổi mới và đầu tư nhiều hơn cho nội dung, từ đó giảm sự ràng buộc đối với việc phân phối", CEO Microsoft cho biết.
Ngoài ra, gã khổng lồ phần mềm này cũng tham vọng đưa một số dịch vụ thúc đẩy doanh thu chính của Activision lên nền tảng trò chơi đám mây của mình, chẳng hạn như Xbox Game Pass. Thương vụ cũng cho phép Microsoft khai thác thông tin từ những nhà sáng tạo nội dung và thế giới trò chơi riêng biệt.
https://cafebiz.vn/chi-gan-70-ty-usd-thau-tom-cong-ty-game-microsoft-toan-tinh-gi-20220119102853084.chn Lấy link