Gần đây các khối lập phương bằng Tungsten đang trở thành meme nổi tiếng trong thế giới tiền mã hóa. Điều này khởi đầu từ một bài đăng của Neeraj Agrawal, giám đốc Coin Center, với hình ảnh làm giả tít báo của Bloomberg cho biết, những nhà đầu tư tiền mã hóa đang đổ xô vào mua các khối lập phương Tungsten và gây nên thiếu hụt trên toàn cầu, kéo theo giá tăng phi mã.
Được thể tát nước theo mưa, phóng viên Joe Weisenthal của Bloomberg đã viết một bài báo với tựa đề giống hệt như vậy để thu hút người đọc. Cuối cùng các khối lập phương Tungsten này trở thành chủ đề cho các meme nổi tiếng trong thế giới tiền mã hóa.
Không chỉ phóng viên Bloomberg, Midwest Tungsten Service, một nhà sản xuất tungsten cũng quyết định biến tận dụng trò đùa đang phổ biến này thành một cơ hội làm ăn hiếm thấy. Họ tạo ra một khối lập phương Tungsten với kích thước mỗi chiều khoảng 35 cm và nặng 907kg – với tuyên bố đây là lập phương lớn nhất từng được công ty tạo ra và do các rắc rối liên quan đến vấn đề vận tải, họ quyết định sẽ lưu trữ khối lập phương này tại trụ sở của mình và bán đấu giá quyền sở hữu từ xa của nó thông qua NFT.
Cuối cùng người chiến thắng trong cuộc đấu giá này là Tungsten DAO (viết tắt của Decentralized Autonomous Organization) – một nhóm các nhà đầu tư tiền mã hóa và các nhà sản xuất meme. Để có được NFT chứng nhận quyền sở hữu đối với khối Tungsten này, nhóm Tungsten DAO đã phải bỏ ra 56,9 ETH (tương đương 250.000 USD theo giá hiện tại).
Bỏ ra một số tiền không hề nhỏ như vậy, nhưng những người chiến thắng trong cuộc đấu giá cũng không hoàn toàn sở hữu nó. Theo tuyên bố trên blog của Midwest Tungsten:
"Mỗi năm, người sở hữu được phép có một chuyến thăm quan đến để thấy/chụp ảnh/ và chạm vào khối lập phương này cùng với một đại diện của Midwest Tungsten Service. Nội dung không thể mở khóa này cần được lên lịch trước và bằng chứng về quyền sở hữu để có thể tiếp cận. Khối lập phương sẽ được lưu trữ trong một căn phòng riêng được khóa chặt và chỉ người sở hữu NFT mới có thể tiếp cận."
Điều khoản của thương vụ này cũng cho biết, nếu người sở hữu NFT chọn "đốt" bỏ nó đi, khối Tungsten này sẽ được vận chuyển đến cho người sở hữu. Ngoài ra, theo thông báo của Midwest Tungsten, 10% số tiền từ thương vụ này sẽ được sử dụng cho mục đích từ thiện.
Tại sao một tổ chức như Tungsten lại bỏ ra một số tiền không nhỏ như vậy chỉ để sở hữu – như không sở hữu – một khối kim loại thông qua NFT là một bí ẩn. Nhưng có lẽ thay vì để bán lại với giá cao hơn trong tương lai, nhóm này dự định dùng thương vụ này như một cách thu hút thêm sự chú ý của công chúng tới mình.
Dù sao đi nữa, những điều tưởng chừng kỳ quặc này đang không còn quá lạ lẫm đối với thế giới tiền mã hóa và NFT nữa. Khi một file kỹ thuật số giờ còn có thể có giá đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD, chẳng còn gì là không thể trong vùng đất mới được khai phá này.
Tham khảo The Verge
Lấy link