Windows 11 chính thức ra mắt vào tuần đầu tiên của tháng 10 này và nhận được rất nhiều sự đón nhận tích cực từ phía người dùng. Tuy nhiên ở mức độ doanh nghiệp, đây có lẽ vẫn là một sự mới mẻ và không phải ai cũng hiểu rõ được hết tiềm năng của hệ điều hành mới nhất từ Microsoft. Buổi trò chuyện ngày hôm nay của chúng tôi với Giám đốc Công nghệ của Tek Experts - ông Trần Anh Quân - sẽ làm sáng tỏ nhiều thắc mắc và hiểu thêm về Windows 11 hỗ trợ được gì cũng như lợi ích cho doanh nghiệp ra sao.
Theo Tek Experts, với tình hình biến chuyển như hiện nay, doanh nghiệp cần phải làm gì về mặt công nghệ để thích ứng?
Đại dịch COVID-19 đã và vẫn đang diễn ra trong 2 năm vừa qua khiến cho cuộc sống bình thường của chúng ta bị đảo lộn. Không chỉ cá nhân mà doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi đối mặt với đợt dịch này. "Tuy nhiên, thời gian này cũng là lúc để các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số một cách tích cực nhất, tận dụng công nghệ để đáp ứng và giải quyết các khó khăn gặp phải, một ví dụ mà chúng ta thấy rõ ràng nhất là xu hướng Work From Home", ông Quân chia sẻ.
Nói đến Work From Home, chúng ta không thể không nhắc đến những giải pháp, những hệ thống hiện tại đang hỗ trợ tích cực để đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trơn tru. Tất nhiên, sự góp sức này còn có một nhân vật khác đóng vai trò to lớn hơn, ở một bức tranh tổng thể hơn - đó là hệ điều hành.
Ông đánh giá thế nào về hệ điều hành Windows 11?
Theo phương diện người dùng cá nhân, Windows 11 mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới. Thiết kế đã được thay đổi lại, trông gọn gàng, đẹp mắt và tinh giản hơn nhưng vẫn mang tính hiệu quả rất cao với rất nhiều tiện ích như tích hợp Microsoft Teams, Snap Layout….
Vậy ông có thể chia sẻ ở khía cạnh doanh nghiệp thì khi sử dụng Windows 11 các doanh nghiệp sẽ có các lợi ích cụ thể gì?
Windows 11 được tối ưu hóa cho môi trường doanh nghiệp. Các yếu tố cốt lõi trong phiên bản Windows mới này chính là khả năng bảo mật, độ ổn định cao, tính tương thích ứng dụng và dễ dàng triển khai trên quy mô lớn. Với bất kỳ doanh nghiệp nào, đây cũng là các yếu tố được đặt lên hàng đầu.
"Ở Windows 11, Microsoft đã nâng cao tiêu chuẩn bảo mật bằng cách yêu cầu phần cứng hỗ trợ các tính năng như Windows Hello, mã hóa thiết bị, khởi động an toàn (Secure Boot). Sự kết hợp của các tính năng này làm giảm phần mềm độc hại tới 60% trên các thiết bị được thử nghiệm", ông Quân cho biết.
Windows 11 cũng tích hợp sẵn phần mềm bảo mật nổi tiếng là Windows Defender, một trong những phần mềm bảo mật hàng đầu trên thế giới hiện nay. "Với việc tích hợp này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn thay vì phải mua bản quyền các phần mềm diệt virus khác cho máy tính của nhân viên". Một ưu điểm nổi bật nữa của phần mềm này là hiệu suất hoạt động rất gọn nhẹ, không chiếm nhiều tài nguyên của máy tính.
Ngoài ra, độ ổn định của Windows 11 đã được tối ưu hơn hẳn. Thiết bị được nâng cấp lên Windows 11 có độ ổn định rất cao. Tỷ lệ máy hoạt động ổn định và không bị crash lên tới 99,8% với các CPU thế hệ mới.
Một điểm mạnh nữa của Windows 11 là khả năng triển khai diện rộng trên quy mô lớn với Autopilot. Bạn thử tưởng tượng một tổ chức với 10.000 nhân viên ngồi phân tán tại nhiều địa điểm trên thế giới, muốn triển khai toàn bộ máy tính lên Windows 11, họ sẽ cần một lượng rất lớn nhân sự IT để hỗ trợ người dùng cuối cài đặt Windows, ứng dụng nghiệp vụ…Việc này sẽ tốn rất nhiều nguồn lực của tổ chức. Với tính năng Autopilot, một nhân viên mới chỉ cần nhận máy tính, bật máy lên, máy sẽ tự động được cài đặt Windows 11 với đầy đủ các ứng dụng cần thiết để sẵn sàng làm việc.
Với Autopilot, các tổ chức sẽ tiết kiệm được rất nhiều về chi phí, thời gian, công sức trong việc. Việc bạn cần làm chỉ đơn giản là bật nút Nguồn.
"Một điểm tôi đánh giá cao ở Windows 11 là khả năng tương thích ứng dụng cao. Sẽ như thế nào nếu một loạt ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng nghiệp vụ đang chạy tốt trên hệ điều hành hiện tại bỗng không chạy được trên hệ điều hành mới. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp. Về cơ bản, Windows 11 được xây dựng và tối ưu trên lõi của Windows 10, bởi vậy sau khi nâng cấp, mọi ứng dụng trên Windows 10 đều được giữ nguyên và chạy tốt trên Windows 11. Thế nên các doanh nghiệp và đội ngũ IT cũng không cần phải đắn đo về vấn đề này", ông Quân chia sẻ thêm.
Chuyển đổi lên Windows 11, doanh nghiệp cần lưu ý những gì? Rào cản và chi phí ra sao?
Theo ông Quân, Windows 11 được Microsoft cho phép cập nhật miễn phí từ Windows 10. "Có thể thấy chi phí để chuyển đổi gần như là không tốn kém gì, và đây là một cơ hội để doanh nghiệp có thể xúc tiến đưa tất cả các máy lên hệ điều hành mới nhằm có được những hiệu năng tốt cũng như bảo mật cao hơn".
Về mặt rào cản, như ông Quân có chia sẻ ở trên, vì Windows 11 bảo mật hơn nên cũng đòi hỏi phần cứng máy tính cao hơn. Theo công bố chính thức của Microsoft, chỉ những CPU Intel thế hệ thứ 8 hoặc AMD Ryzen 2000 series trở lên, mới chính thức hỗ trợ Windows 11, đồng thời máy tính cũng cần có chip bảo mật TPM 2.0. Lý do quan trọng nhất của đòi hỏi cấu hình phần cứng là do yếu tố bảo mật và tính ổn định. Ông ước lượng những chiếc máy có tuổi đời từ 3 năm đổ lại có thể nâng cấp lên, "Tuy nhiên với những máy cũ quá, có lẽ chúng ta cần chờ thêm thời gian nữa vì Microsoft có thể sẽ hỗ trợ mở rộng ở các lần update tiếp theo"
Với Tek Experts, Windows 11 là nền tảng mới nhưng rất tiềm năng và giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, bảo mật và độ ổn định hệ thống. Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa các sức mạnh này, các cấp quản lý doanh nghiệp và đội ngũ IT nội bộ cũng cần được cập nhật kiến thức, từ đó nâng cao năng lực và thúc đẩy sự phát triển cho toàn công ty.
Hiểu được vấn đề này, Tek Experts - là một tập đoàn toàn cầu cung cấp giải pháp công nghệ và chuyển đổi số cho doanh nghiệp, dự kiến tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến webinar về Windows 11 vào cuối tháng này. "Trong mục tiêu chia sẻ kiến thức dành cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có thể chuyển đổi số thành công, chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức 1 loạt series công nghệ trong thời gian tới. Tháng trước chúng tôi đã có buổi chia sẻ về Microsoft Teams, một nền tảng cộng tác và giao tiếp rất nổi tiếng của Microsoft. Kết quả thu về rất tốt đẹp với nhiều phản hồi tích cực của các khách hàng doanh nghiệp", ông Quân cho biết thêm.
Lấy link