Hôm qua Microsoft đã chính thức phát hành Windows 11. Trong khi bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể tận hưởng các trải nghiệm mới mà hệ điều hành này mang lại, điều này có thể bất khả thi đối với người dùng tại thị trường Trung Quốc vì thiếu một linh kiện quan trọng gọi là chip bảo mật TPM (Trusted Platform Module). Điều này có nguồn gốc từ một chính sách trước đây của chính phủ Trung Quốc.
TPM là chuẩn mã hóa quốc tế và chip TPM là một linh kiện trong bản mạch chủ sẽ cho phép phần cứng máy tính tuân theo tiêu chuẩn này. Chip TPM không chỉ giúp bảo vệ máy tính khỏi sự xâm nhập trái phép từ bên ngoài, mà còn giúp một số phần mềm thực hiện các tác vụ mã hóa bảo mật.
Theo Microsoft, một trong các yêu cầu để chạy được Windows 11 là máy tính phải hỗ trợ cấu hình TPM 2.0 mới nhất hiện nay.
Tuy nhiên, từ năm 1999, chính phủ Trung Quốc đã cấm các chip TPM của nước ngoài do mối lo ngại về an ninh quốc gia và chỉ chấp nhận các sản phẩm tương đương do trong nước tự phát triển. Đây được xem như nỗ lực của nước này trong cuộc chạy đua với Mỹ nhằm thiết lập tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên không có các chip TPM tiêu chuẩn, các máy tính Windows của Trung Quốc có thể gặp khó khăn, thậm chí không lên được Windows 11.
Một người dùng Weibo cho biết: "Hôm nay là ngày Microsoft phát hành Windows 11. Nhưng các laptop Dell bán ở Trung Quốc đã bị loại bỏ chip TPM theo chính sách của Trung Quốc. Do vậy chúng tôi không thể cài đặt nó. Hy vọng sẽ có một phiên bản Windows 11 dành riêng cho thị trường Trung Quốc."
Bên cạnh Trung Quốc, nhiều người dùng Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách này khi đặt mua nhiều laptop xách tay từ thị trường nội địa Trung Quốc. Cho dù có cấu hình cao cùng với mức giá hấp dẫn, các laptop tại thị trường nội địa Trung Quốc cũng phải chịu quy định này của chính phủ và gỡ bỏ chip bảo mật TPM trên thiết bị. Do vậy, dù có cấu hình đời mới, các laptop này cũng khó có thể được cập nhật lên Windows 11, ít nhất cho đến khi Microsoft thay đổi yêu cầu của mình.
Ngay cả khi dùng bộ xử lý mới nhất hiện nay của AMD, laptop Lenovo phiên bản dành cho thị trường Trung Quốc cũng không đủ điều kiện cập nhật lên Windows 11 do không hỗ trợ TPM 2.0
Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng vấn đề này sẽ sớm được sửa chữa. Nhà phân tích của hãng nghiên cứu Canalys, Himani Mukka cho biết, chính phủ Trung Quốc có các yêu cầu khắt khe để đảm bảo các thành phần của chip TPM được sản xuất tại Trung Quốc và có thể kiểm soát. Nhưng "rất có thể Microsoft sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này … phải thừa nhận là thị trường Trung Quốc quá rộng lớn với Microsoft để khiến họ phải thực hiện các nhượng bộ trong gói sản phẩm mà mình cung cấp."
William Li, nhà phân tích bán dẫn của hãng Counterpoint Research cho biết, Microsoft đã sẵn sàng cho phép một số hệ thống cập nhật lên Windows 11 mà không cần đến tính năng TPM.
Hiện Windows là hệ điều hành phổ biến nhất ở Trung Quốc, thị trường PC lớn nhất thế giới. Trong quý hai năm nay, tổng cộng đã có 19,4 triệu thiết bị PC được xuất xưởng.
Tuy nhiên, quốc gia này lại không phải nơi đóng góp doanh thu lớn cho Microsoft, phần lớn là do nạn vi phạm bản quyền. Theo phát biển của chủ tịch Microsoft Brad Smith vào tháng Một năm 2020, Trung Quốc chỉ đóng góp chưa đến 2% cho tổng doanh thu của công ty, tương đương mức 2 tỷ USD.'
Là một trong những thị trường PC lớn nhất thế giới, rất có thể Microsoft sẽ phát hành một phiên bản Windows 11 dành riêng cho thị trường Trung Quốc, và có thể bỏ qua yêu cầu hỗ trợ TPM 2.0
Tiêu chuẩn TPM được Trusted Computing Group – một liên minh các nhà sản xuất phần cứng bao gồm Intel, IBM, HP và Sony – đề xuất năm 2003. Nhưng nó được xem chính phủ Trung Quốc xem là không đáng tin cậy. Để chống lại tiêu chuẩn này, Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn riêng của mình được gọi là TCM (Trusted Cryptography Module) xuất hiện trên chip mã hóa Hengzhi của Lenovo vào năm 2005.
Việc có đến 2 tiêu chuẩn bảo mật khác nhau khiến các hãng máy tính lâm vào thế khó xử. Năm 2005, HP từng định âm thầm vô hiệu hóa chip TPM nhưng vẫn giữ chúng trong các máy tính của họ khi bán tại Trung Quốc, nhưng sau đó bị phát hiện và buộc phải gỡ bỏ chip bảo mật này.
Hiện tại vẫn có nhiều người đam mê "vọc vạch" máy tính đã tìm ra nhiều công cụ khác nhau để giúp máy tính Windows tránh né được bài kiểm tra TPM của Windows 11. Tuy nhiên, các công cụ này đòi hỏi phải có ít nhiều hiểu biết về công nghệ cũng như đi kèm một số rủi ro khác trong quá trình thực hiện.
Tham khảo SCMP
Lấy link