Cuộc đua chưa hồi kết của Elon Musk và Jeff Bezos

Những cuộc tranh luận chưa có điểm dừng giữa hai tỷ phú giàu nhất thế giới được châm ngòi khi SpaceX hạ quỹ đạo của vệ tinh Starlink.


Trong nhiều thập kỷ qua, doanh nghiệp Mỹ chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Andrew Carnegie và John D. Rockefeller. Giờ đây, Jeff Bezos và Elon Musk, hai tỷ phú trong số những người đàn ông giàu nhất thế giới, đang viết những chương mới cho cuộc cạnh tranh khốc liệt trong không gian.


Hai bên thường đặt ra những tranh cãi lẫn nhau về hiệu suất của sản phẩm không gian, đối đầu trong cuộc chiến dành quyền sử dụng bệ phóng của NASA và tên lửa công ty nào hạ cánh đầu tiên thành công.


Hiện cuộc đối đầu giữa SpaceX của Elon Musk và công ty vũ trụ Blue Origin của Bezos là về một hợp đồng lớn của NASA thỏa thuận đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng, xây dựng dịch vụ vệ tinh Internet trong không gian.


Trong vài năm qua, SpaceX đã phóng hàng nghìn vệ tinh nhằm mục đích truyền tín hiệu Internet tới Trái Đất. Amazon cũng có kế hoạch tương tự trong một chương trình mang tên Kuiper, nhưng đến nay vẫn chưa phóng vệ tinh nào.


Bác bỏ một cách công khai trình độ kỹ thuật của Amazon, SpaceX cáo buộc công ty này đang cố trì hoãn kế hoạch và phản đối những nỗ lực của họ. Trong hồ sơ theo dõi của Amazon, SpaceX chứng minh việc Amazon luôn tụt lại phía sau đối thủ cạnh tranh nhưng lại sử dụng nhiều ràng buộc pháp lý và quy định để cản trở SpaceX.


Sau đó Amazon đã phản hồi và cho rằng Musk công khai bất chấp các quy định hợp pháp hết lần này đến lần khác. Cách hành xử của SpaceX và các công ty khác do Musk lãnh đạo khiến quan điểm của họ trở nên rõ ràng và đúng đắn hơn.


Cả Bezos và Musk đều cho rằng, tham vọng không gian của họ như một cách để giúp đỡ nhân loại, bằng cách tạo ra một thành phố trên sao Hỏa, hoặc xây dựng các thuộc địa trên quỹ đạo của Trái Đất. Tuy vậy, cả hai tỷ phú nhiều lần thể hiện sự bất đồng quan điểm cả trên Twitter và trong những bài phỏng vấn với báo chí. Jeff Bezos tập trung đưa con người lên Mặt trăng và gọi tham vọng vươn tới sao Hỏa của Elon Musk là "thiếu động lực". Còn Musk hay gọi Bezos là "kẻ sao chép", chê Blue Origin phát triển quá chậm.


Musk và Bezos đã vạch ra những con đường riêng phục vụ xây dựng đế chế của họ. Họ đều sở hữu khả năng ưu việt trong phát triển toàn bộ ngành công nghiệp bằng các sản phẩm sáng tạo cho tương lai, bất chấp những nghi ngờ, tránh các vụ thua lỗ ngắn hạn để đạt được lợi nhuận dài hạn.


Chẳng hạn như tại Tesla, Elon Musk tiếp quản toàn bộ ngành công nghiệp ô tô và cách mạng hóa thị trường ô tô điện. SpaceX đã chiến đấu với tổ hợp công nghiệp-quân sự mà trong nhiều thập kỷ đã thống trị không gian và đã trở thành đối tác phóng tên lửa ưu tiên của NASA. Với Amazon, Bezos bắt đầu chuyển đổi cửa hàng sách truyền thống sang hệ thống bán lẻ, nền tảng cung cấp mọi thứ. Trang web Amazon đã thay đổi cách các nhiều công ty lưu trữ dữ liệu.


Dù vậy, Elon Musk có vẻ đang dẫn đầu trong hầu hết mọi lĩnh vực. SpaceX đã cử ba nhóm phi hành gia đến Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, dự kiến sẽ phóng một nhóm hành khách tư nhân trong một chuyến đi ba ngày quay quanh Trái đất. SpaceX đã phóng gần 2.000 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, đưa công ty tiến gần đến việc thực hiện chiến dịch mạo hiểm và táo bạo nhất của Musk là cung cấp dịch vụ Internet từ không gian.


Tuy nhiên, việc SpaceX hạ quỹ đạo của Starlink xuống gần Trái Đất đã xâm phạm vào quỹ đạo được Amazon đăng ký trước đó. Jeff Bezos nhận định Starlink sẽ cản trở đường bay của những vệ tinh Kuiper, gây nhiễu hoặc va chạm với chúng.


SpaceX cũng khẳng định với Ủy ban truyền thông Liên bang (FCC) việc đặt các vệ tinh gần Trái đất sẽ giảm nguy cơ rác thải không gian vì chúng rơi xuống tầng khí quyển và bị tiêu hủy nhanh hơn so với rác từ tàu vũ trụ. Tuy nhiên, Amazon cho rằng nếu quỹ đạo của Starlink được hạ thấp, chúng sẽ gây thiệt hại lớn cho dự án Kuiper.


Ngoài cuộc chiến tranh giành các "chòm sao" vệ tinh, hai bên tiếp tục xảy ra mâu thuẫn vì hợp đồng mà NASA trao cho SpaceX để chế tạo một tàu vũ trụ đưa các phi hành gia đến bề mặt của Mặt Trăng. Blue Origin đã kháng cáo quyết định của NASA lên Văn phòng Trách nhiệm Giải trình (GAO) của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên cơ quan này bác bỏ các lập luận của Blue Origin và đưa ra phán quyết có lợi cho NASA.


Các cuộc kiện tụng về hợp đồng vũ trụ giữa hai bên liên tiếp xảy ra, đỉnh điểm là giá thầu bay vào vũ trụ của Blue Orgin là 6 tỷ USD đắt gấp đôi giá của SpaceX trong khi SpaceX cho rằng họ có hạ tầng tốt hơn.


Gần đây, Musk viết trên Twitter rằng công ty của ông đã vận chuyển 100.000 thiết bị đầu cuối mặt đất cho hệ thống và đang phục vụ 14 quốc gia. Trong khi, Blue Origin đã thực hiện một sứ mệnh dưới quỹ đạo duy nhất lên không gian kéo dài hơn 10 phút. Amazon cũng lên kế hoạch riêng của mình để "lấp kín" quỹ đạo bằng các vệ tinh có thể truyền Internet xuống mặt đất, nhưng đến nay vẫn chưa phóng một vệ tinh nào.


Đưa ra quan điểm về mâu thuẫn hai bên, GS John Logsdon, Viện Chính sách Không gian, Đại học George Washington (Mỹ) cho rằng, điều này phản ánh sự chuyển dịch mới của lĩnh vực không gian vũ trụ, không chỉ với nhiệm vụ nghiên cứu và giải đáp, mà giống như một môi trường kinh doanh để các công ty lớn cạnh tranh.


Nguyễn Xuân (Theo The Washington Post)









Cuoc dua chua hoi ket cua Elon Musk va Jeff Bezos


Nhung cuoc tranh luan chua co diem dung giua hai ty phu giau nhat the gioi duoc cham ngoi khi SpaceX ha quy dao cua ve tinh Starlink.

Cuộc đua chưa hồi kết của Elon Musk và Jeff Bezos

Những cuộc tranh luận chưa có điểm dừng giữa hai tỷ phú giàu nhất thế giới được châm ngòi khi SpaceX hạ quỹ đạo của vệ tinh Starlink.
Cuộc đua chưa hồi kết của Elon Musk và Jeff Bezos
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: