Phi hành đoàn trên trạm ISS bị đánh thức bởi tiếng chuông báo cháy vào lúc 9h ngày 9/9 theo giờ Hà Nội. Tiếng chuông kéo dài trong một phút sau khi cảm biến phát hiện khói ở module Zvezda của Nga. Khói và mùi nhựa cháy cũng xuất hiện ở khu vực của Mỹ trên trạm ISS. Các phi hành gia nhanh chóng xử lý tình huống và thay thế lọc khí, sau đó khói tan dần, theo NASA. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa thể xác định nguồn phát sinh khói.
Bất chấp sự cố, hai nhà du hành vũ trụ người Nga Oleg Novitskiy và Pyotr Dubrov vẫn tiến hành chuyến đi bộ không gian thứ hai nhằm tiếp tục lập cấu hình cho module Nauka mới vận hành. Chuyến đi bộ không gian bắt đầu vào 21h51 ngày 9/9 và kết thúc vào 5h16 ngày 10/9, kéo dài 7 giờ và 25 phút.
Trạm vũ trụ cũ kỹ gặp phải nhiều sự cố trong những năm qua. Một nhà chức trách Nga gần đây cảnh báo về phần mềm lỗi thời và các hệ thống trục trặc, bao gồm rò khí, động cơ khai hỏa nhầm và những vết nứt. Cơ quan Vũ trụ Nga, Roscosmos, cho biết tất cả hệ thống đã trở lại trạng thái bình thường. Khói được phát hiện trong lúc sạc lại bộ pin của trạm. Hiện nay, phi hành đoàn đã quay trở lại huấn luyện như thường lệ.
Hôm 1/9, Vladimir Solovyov, kỹ sư trưởng của tập đoàn tên lửa và vũ trụ Nga Energia, dự đoán trạm ISS có thể gặp hỏng hóc không thể khắc phục do thiết bị và phần cứng quá lạc hậu. Ít nhất 80% hệ thống ở khu vực của Nga đã quá hạn sử dụng. Energia là đơn vị chính phụ trách phát triển những module Nga trên trạm ISS. Các vết nứt nhỏ được phát hiện ở module hàng hóa Zarya của Nga và có thể lan rộng hơn theo thời gian.
Trạm ISS được xây dựng vào năm 1998 theo dự án hợp tác giữa Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu khác. Theo thiết kế ban đầu, trạm có thời gian hoạt động 15 năm. Năm ngoái, Roscosmos kết luận trạm ISS không thể hoạt động qua năm 2030 do kết cấu yếu. Hồi tháng 7/2021, một sự cố khiến động cơ đẩy phản lực ở module Nauka khai hỏa đột ngột, dẫn tới trạm ISS bị mất cân bằng. Nga dự định tách khỏi ISS và xây dựng trạm vũ trụ riêng năm 2030. Hiện nay có 7 phi hành gia sống trên ISS, gồm 2 người Nga, 3 người Mỹ, một người Pháp và một người Nhật.
An Khang (Theo BBC)
- Hồi sinh robot vũ trụ trên trạm ISS