Mới đây, NASA đã đăng tải phát hiện mới về 2021 PJ1, một tiểu hành tinh từng lướt qua rất gần Trái đất vào ngày 14/8 vừa qua.
Theo tiến sĩ Lance Benner từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, tiểu hành tinh 2021 PJ1 có đường kính khoảng từ 20-30m, đã sượt qua Trái Đất ở khoảng cách hơn 1,7 triệu km.
Đây được xem là một khoảng cách bay tương đối gần của các vật thể không gian, và thậm chí có thể nguy hiểm đối với Trái đất.
Điều đáng nói là theo quan sát của NASA, đã có tới 1.000 vật thể bay tương tự từng bay sượt Trái đất trong vòng 50 năm qua. Nếu nhìn dưới góc độ này, chúng ta quả thực đã rất may mắn vì không phải hứng chịu một thảm họa va chạm đáng kể nào với các vật thể nêu trên.
Theo Sci-News, do 2021 PJ1 có kích thước khá nhỏ nên NASA không thể thu được hình ảnh chi tiết của nó cũng như không thể dự đoán sớm cú tiếp cận.
Tuy nhiên, radar từ Trái đất đủ mạnh để phát hiện ra tiểu hành tinh khi nó đi vào khoảng cách gần, và đo được vận tốc của nó với độ chính xác cao.
Từ các kết quả này, NASA có thể tính toán được chuyển động tương lai của tiểu hành tinh, từ đó dự đoán trước quỹ đạo quay vòng lại của nó, cũng như khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất.
Trong suốt hàng thập kỷ, các nhà thiên văn học luôn cho rằng những vật thể có kích thước lớn tiến về Trái đất có thể trở thành một tai họa nghiêm trọng nếu không có sự chuẩn bị từ trước.
Điển hình như nguyên nhân khiến cho loài khủng long biến mất là do một thiên thạch lớn rơi xuống Trái Đất 64 triệu năm trước, đâm vào khu vực Trung Mỹ.
Cách đây không lâu, Tiểu ban Khoa học - Kỹ thuật của Ủy ban Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng cảnh báo hiểm họa "gây sốc" từ tiểu hành tinh có thể đe dọa đến Trái đất.
Theo đó, hiện các nhà khoa học chỉ xác định được khoảng 40% các vật thể có kích thước lớn đang tiến đến gần Trái đất, báo cáo này cho biết.
Minh Khôi
Theo Sci-News