Trong chuyến thám hiểm hang động, một người đàn ông Trung Quốc đã vô tình phát hiện thấy vật thể kỳ lạ, trông giống như một cây súp lơ, hay một cây nấm bị hóa thạch.
Sau khi tới gần hơn, người này nhận thấy đây dường như là một viên đá với hình dạng độc đáo, với một phần ba khối đá bao gồm phần đá có màu trắng và vàng sẫm. Trong khi hai phần ba còn lại là màu đen.
Người đàn ông này quyết định mang về nhà và nhờ chuyên gia tới để thẩm định giá trị của nó.
Thật bất ngờ khi kết luận của chuyên gia, đây là một khối thạch nhũ hang động, chứ không phải hóa thạch súp lơ như suy đoán ban đầu.
Thạch nhũ hay còn gọi là nhũ đá được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm, nghìn, thậm chí là hàng triệu năm.
Sự hình thành nên thạch nhũ trong các hang động
Khi mưa, nước mưa từ khí quyển có chứa CO2 sẽ hòa tan rất mạnh các khoáng vật thuộc nhóm cacbonat, sunfat, chuyển hóa chúng thành canxi bicacbonat (Ca(HCO3)2) theo công thức:
H2O + CO2 + CaCO3 → Ca(HCO3)2
Tuy nhiên, do canxi bicacbonat không ổn định về mặt hóa học, nên dễ bị phân tích thành axit cacbonnic và canxi cacbonnat.
Trong đó, canxi cacbonat là chất khó hòa tan nên tách ra khỏi dung dịch và kết tủa lại nơi giọt nước rơi xuống, cứ thế tạo thành thạch nhũ gọi là chuôn đá (hay vú đá) trên trần hang, có hình nón lộn ngược.
Giọt nước từ trần và vú đá rơi xuống vẫn còn chứa canxi cacbonat nên ở chỗ rơi xuống có sự kết tủa canxi và hình thành các măng đá.
Đôi khi các chuôn đá phân bố dọc theo các khe nứt trên trần hoặc vách hang, cái nọ gần cái kia và dính kết vào nhau bằng một mảng đá mỏng trông như một bức rèm nhiều nếp rủ xuống, được gọi là rèm đá. Trải qua một thời gian dài chuông đá và măng đá có thể dính vào nhau và tạo thành cột đá.
Như vậy, có thể thấy rằng sự hình thành thạch nhũ trong các hang động đá vôi là một kiệt tác được tạo thành từ đá và nước.
Nó cũng được coi là báu vật của tự nhiên, vì thời gian hình thành nên những nhũ đá có thể lên tới hàng trăm triệu năm.
Minh Khôi