Công nghệ truyền điện này có nhiều phiên bản cũ nhưng sử dụng bức xạ vi sóng có hại. Theo nhóm nghiên cứu, phiên bản mới an toàn, đồng thời dễ lắp đặt, có thể điều chỉnh theo tòa nhà. Đó là vì hệ thống mới sử dụng thiết bị mang tên tụ tập trung. Các tụ có thể đặt trong hốc tường để sản sinh từ trường mạnh có thể cộng hưởng trong phòng đồng thời giữa điện trường bên trong. Đây là cải tiến quan trọng so với các hệ thống điện không dây khác, chỉ có thể cung cấp lượng điện lớn trong phạm vi vài milimet hoặc lượng điện cực nhỏ qua khoảng cách xa.
Không chỉ dùng cho điện thoại và laptop, công nghệ còn giúp sạc thiết bị y tế và robot. Các nhà nghiên cứu cũng đang làm việc để thu nhỏ kích thước, cho phép hệ thống hoạt động trong một chiếc hộp, sạc mọi thứ người sử dụng mang bên mình ở bất cứ nơi nào họ tới. Công nghệ mới hứa hẹn biến cả tòa nhà thành trạm sạc điện không dây.
"Bạn có thể để máy tính ở bất cứ đâu mà không cần lo lắng về việc tìm chỗ sạc", Alanson Sample, giáo sư khoa học máy tính và kỹ thuật ở Đại học Michigan, cho biết. "Hệ thống cũng có nhiều ứng dụng lâm sàng. Ví dụ, thiết bị cấy ghép tim hiện nay đòi hỏi đường dây chạy từ bơm qua cơ thể tới nguồn cấp điện bên ngoài. Công nghệ của chúng tôi sẽ giúp bỏ bớt đường dây, giảm nguy cơ viêm nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân".
Nhóm nghiên cứu đang tìm cách áp dụng hệ thống mới ở khuôn viên Đại học Michigan. Những công ty như Wi-Charge, Energous, và Ossia cũng đang phát triển phương pháp sạc điện không dây cho các thiết bị, sử dụng công nghệ hồng ngoại an toàn và hiệu quả.
An Khang (Theo Interesting Engineering)
- Nhật giới thiệu nguyên mẫu tàu siêu tốc sạc không dây