Các loài thằn lằn bay hay dực long trong họ Tapejaridae rất phổ biến trong hồ sơ hóa thạch của Brazil, nhưng hầu hết mẫu vật được tìm thấy cho đến nay đều chỉ là tàn tích một phần. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí PLOS ONE hôm 25/8 đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học phân tích một bộ xương gần như hoàn chỉnh của loài Tupandactylus navigans.
"Mẫu vật được bảo quản đặc biệt tốt bao gồm hơn 90% bộ xương và một số mô mềm của mào đầu và mỏ sừng (một cấu trúc tương tự như ở loài chim)", tác giả chính của nghiên cứu Victor Beccari, nhà cổ sinh vật học động vật có xương sống tại Đại học São Paulo của Brazil, cho biết.
Bộ xương nằm trong phiến đá vôi đã bị cắt thành 6 phần do hoạt động buôn bán hóa thạch. Nó có nguồn gốc từ hệ tầng Crato ở đông bắc Brazil, với độ tuổi ước tính lên tới 115 triệu năm.
Hóa thạch này là một phần trong số hơn 3.000 mẫu vật được cảnh sát liên bang Brazil thu hồi vào năm 2013, nhưng mới được Beccari và các đồng nghiệp nghiên cứu gần đây.
"Xương động vật tiền sử ở Brazil được luật pháp bảo vệ, vì chúng là một phần di sản địa chất của đất nước. Do đó, việc thu thập hóa thạch cần có sự cho phép, trong khi buôn bán và sưu tập tư nhân là bất hợp pháp", Beccari nói thêm.
Phân tích cho thấy Tupandactylus navigans cao khoảng 1 m và có sải cánh rộng hơn 2,5 m. Chiếc cổ tương đối dài và đặc biệt là phần mào đầu khổng lồ gợi ý rằng khả năng bay đường dài của loài dực long tiền sử này có thể bị hạn chế. Thay vào đó, nó dành nhiều thời gian dưới mặt đất để kiếm thức ăn như hạt và trái cây.
Tuy nhiên, cấu trúc xương mác, xương lồng ngực và các khối cơ phát triển cho thấy Tupandactylus navigans có khả năng bay quãng ngắn tốt, giúp chúng dễ dàng trốn thoát khỏi kẻ săn mồi.
"Mẫu vật này không chỉ cho phép chúng ta hoàn chỉnh cấu trúc giải phẫu của loài Tupandactylus navigans, mà còn cung cấp những hiểu biết sâu sắc về hệ sinh thái của nó", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong báo cáo.
Đoàn Dương (Theo CNN)
- Phục dựng quái vật biển cổ đại lớn gấp đôi cá mập trắng
- Phát hiện loài dực long lớn nhất Australia