Chính phủ Trung Quốc đang mời các nhà khoa học tham gia chế tạo tàu vũ trụ khổng lồ dài 1 km lắp ráp trên quỹ đạo. Ý tưởng xây dựng con tàu được phác thảo trong dự án của Hiệp hội Khoa học tự nhiên Trung Quốc. Tổ chức này đang tìm kiếm đề án xây dựng tàu vũ trụ siêu lớn dài 1 km. Theo họ, đây là thiết bị chiến lược quan trọng để khai thác tài nguyên không gian, khám phá những bí ẩn của vũ trụ và sinh sống lâu dài trên quỹ đạo trong tương lai.
Kích thước và khối lượng của tàu vũ trụ rất đồ sộ nên không thể chế tạo và phóng nguyên khối. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu cần thiết kế và sản xuất từng module. Mỗi module sẽ được phóng riêng lẻ và lắp ráp trên quỹ đạo. Do đó, dự án cần đảm bảo hai yếu tố. Đầu tiên, thiết kế phải siêu nhẹ, đảm bảo số lần phóng thấp hết mức có thể. Thứ hai, đó phải là thiết kế thông minh, có thể lắp ráp dễ dàng trong không gian.
Các nhà nghiên cứu có 5 năm để phát triển ý tưởng cho dự án và 5 dự án được lựa chọn sẽ có kinh phí 2,3 triệu USD. Khoản kinh phí này chỉ phục vụ bước đầu tiên trong nghiên cứu ý tưởng. Đây sẽ là nghiên cứu sơ bộ để xem xét ý tưởng có khả thi hay không. Nhóm nghiên cứu sẽ tìm cách giảm tối đa trọng lượng tàu vũ trụ để giảm số lần phóng và chi phí xây dựng. Họ cũng cần đảm bảo khả năng kiểm soát cấu trúc để hạn chế chệch phương hướng, biến dạng và rung động trong quá trình lắp ghép.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào chương trình không gian trong những năm gần đây. Hồi tháng 5/2021, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đưa robot tới sao Hỏa. Nước này cũng bắt đầu xây trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng 4. Module đầu tiên của trạm đã phóng lên quỹ đạo Trái Đất bằng tên lửa hạng nặng Trường Chinh 5. Module nặng 22 tấn đóng vai trò khoang trung tâm của trạm Thiên Cung, nơi sinh hoạt chủ yếu của các phi hành gia. Theo dự kiến, trạm sẽ hoàn thành vào năm sau và có khối lượng 100 tấn, bằng khoảng 1/4 Trạm Vũ trụ Quốc tế.
An Khang (Theo Digital Trends/SCMP)
- Ý tưởng truyền năng lượng mặt trời từ vũ trụ về Trái Đất