Lên mạng xin cứu trợ online
“Bác nào kẹt ở lại giống em thì vào Zalo Connect ấy. Viết trình bày thất nghiệp, xin giúp đỡ nhu yếu phẩm nhé. Em vừa được hỗ trợ. Vẫn còn nhiều người tốt, anh em cố lên”, G.Bắc, một tài xế công nghệ tại Hà Nội đã đăng thông tin trên group kín của hội tài xế.
Anh Bắc cho biết vừa nhận được đồ hỗ trợ từ một người trợ giúp thông qua một ứng dụng trên điện thoại nên muốn chia sẻ cho những người khó khăn như mình. Anh nghỉ chạy xe kể từ khi Hà Nội bắt đầu giãn cách nên không có thu nhập. Không thể về quê, số tiền dành dụm ít ỏi cũng cạn dần, may mắn là đã nhận được hỗ trợ để tiếp tục “cầm cự” trong những ngày tới.
|
Người giúp đỡ và người cần giúp đỡ có thể kết nối với nhau ngay trên điện thoại. (Ảnh: Duy Vũ) |
Anh G.Bắc là một trong số hàng chục nghìn người có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự trợ giúp từ cộng đồng khi xin cứu trợ online.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại với mức lây lan rộng hơn, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách khiến cho rất đông sinh viên, người lao động, nhất là lao động tự do không có việc làm, mất thu nhập và cần sự trợ giúp.
“Hàng ngày đọc báo, xem tin tức về Covid thấy đau lòng, sốt ruột và lo lắng….tôi cũng muốn làm được gì đó để giúp mọi người xung quanh”, chị Thùy Dung (Hà Nội) tâm sự.
Đang làm công việc văn phòng và có con nhỏ, Thùy Dung không có thời gian tham gia các chuyến từ thiện hay di chuyển đến nhiều địa điểm giúp đỡ mọi người. Chị đã tìm đến cách nhanh gọn hơn mà có thể giúp đỡ nhiều người thông qua một ứng dụng được bạn bè giới thiệu. Chỉ cần truy cập vào ứng dụng có sẵn trên điện thoại, chị có thể thấy lời nhắn gửi cần giúp đỡ từ những người có hoàn cảnh khó khăn để trợ giúp.
“Tôi mới biết đến Zalo Connect vài ngày nay thông qua chia sẻ của một người bạn. Tôi đã chọn ngay vì có thể thấy được những người cần giúp đỡ ở gần mình”, Thùy Dung nói.
Khi truy cập ứng dụng trên điện thoại, chị Dung có thể nhìn thấy một cách trực quan những người cần giúp đỡ quanh nơi mình đang sống cũng như nhu cầu của họ. Người cần giúp đỡ và người giúp đỡ có thể kết nối trực tiếp để trao đổi với nhau, đơn giản và thuận tiện.
Trong mấy ngày qua, Thùy Dung và gia đình đã hỗ trợ được một số người, đa phần là shipper, người lao động thời vụ không có việc trong thời gian giãn cách. “Nhu cầu của họ đơn giản lắm, chỉ cần lương thực, rau, thịt….Việc này quá dễ thực hiện và nằm trong khả năng của tôi và gia đình”.
Khi thấy có trường hợp cần giúp đỡ trong khu vực gần nhà, chị Dung sẽ gọi đến siêu thị nhờ gói đồ cần thiết rồi hẹn người lấy ở nơi thuận tiện mà không phải tiếp xúc.
|
Bản đồ trợ giúp hiển thị trên Zalo Connect. (Ảnh: Duy Vũ) |
Zalo Connect là một trong số những nền tảng công nghệ mới được phát triển gần đây để người dùng hỗ trợ nhau trong mùa dịch. Nền tảng đang được nhiều người sử dụng bên cạnh các hội, nhóm trợ giúp cộng đồng được lập ra trên mạng xã hội.
Tính năng này giúp người dân tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm hoặc kết nối nhanh với các bác sĩ, chuyên gia y khoa để được tư vấn y tế từ xa. Các cá nhân, tổ chức thiện nguyện có thể nhìn thấy những trường hợp đang gặp khó khăn gần khu vực sinh sống của mình thông qua bản đồ giúp đỡ được hiển thị.
Zalo Connect đã được nhà phát triển mở tại 21 tỉnh, thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo ghi nhận từ nhà phát triển, TP.HCM là địa phương có lượt yêu cầu và tham gia trợ giúp cộng đồng nhiều nhất cả nước.
Ngoài Zalo Connect, một ứng dụng khác cũng được nhiều người chia sẻ là bản đồ cứu trợ SOSmap. Người dân khó khăn có thể điền thông tin cần hỗ trợ như tên, địa chỉ, số điện thoại, mô tả hoàn cảnh và lý do cần hỗ trợ. Thông tin sẽ được xác minh và hiển thị trên bản đồ cứu trợ bằng những dấu đỏ. Các đội nhóm của SOSmap sẽ liên hệ hoặc kết nối với tổ chức hỗ trợ người khó khăn.
Công nghệ giúp lan tỏa lòng tốt giữa đại dịch
Cũng giống như Thùy Dung, chị Mai Trang (Dịch Vọng, Hà Nội) cho biết mình ít tham gia các hoạt động thiện nguyện do điều kiện chưa cho phép và một phần do tâm lý e ngại. Dù vậy, chị Trang vẫn muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, nhất là khi dịch bệnh đang hoành hành.
Các ứng dụng như Zalo Connect hay SOSmap có thể đơn giản hóa việc cứu trợ, thiện nguyện để những người bình thường nhất cũng có thể tham gia giúp đỡ mọi người xung quanh.
|
SOSmap đang được nhiều người sử dụng để trợ giúp những người xung quanh. (Ảnh: Duy Vũ) |
Điểm hay của các nền tảng này là rất trực quan, lượt giúp đỡ cũng được hiển thị rõ ràng nên tránh được tình trạng trục lợi, lòng tốt bị đặt sai chỗ.
“Mình có điều kiện vừa phải nên chỉ giúp đỡ được ở quy mô nhỏ thôi. Có những ứng dụng kiểu này, mỗi lần giúp được vài ba người nên cũng không ngại. Khi nào có điều kiện thì lại giúp, không có điều kiện thì chia sẻ để người xung quanh giúp. Nhờ các ứng dụng như thế, lòng tốt mới được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đại dịch”, chị Mai Trang tâm sự.
Được sự đồng hành của Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia, Zalo Connect đang thu hút nhiều người dùng và tạo được hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Các hội nhóm, người dùng trên mạng xã hội đang kêu gọi nhau chung tay phủ xanh bản đồ, nơi những người cần được giúp đỡ gửi thông tin xin cứu trợ.
Theo đại diện Bộ TT&TT, các nền tảng hỗ trợ, kết nối nhu yếu phẩm khi có nhiều người sử dụng sẽ phát huy được ý nghĩa lớn trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh.
Ông Đoàn Quốc Anh - Giám đốc sản phẩm, cho hay, chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 30.565 người tham gia hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn với khoảng 60.982 lượt giúp đỡ trên Zalo Connect. Các nhu cầu trợ giúp chủ yếu thuộc nhóm hàng lương thực, nhu yếu phẩm, y tế và cả tư vấn y khoa. Trong đó, số lượt yêu cầu lương thực lớn nhất và chiếm 94%, tiếp theo là yêu cầu về nhu yếu phẩm với 35%.
Zalo Connect cũng bổ sung thêm tính năng giúp mạnh thường quân đánh dấu các trường hợp đã giúp đỡ (chấm xanh), báo cáo (report) nhanh những yêu cầu hỗ trợ không đúng sự thật…
Duy Vũ