Coupang - công ty được ví như "Amazon của Hàn Quốc" - đã giúp cho nhà sáng lập Bom Kim từng có thời điểm sở hữu khối tài sản lên đến 8,9 tỷ USD. Kim là ví dụ điển hình cho thế hệ tỷ phú mới nổi, tự mình gây dựng tài sản trong lĩnh vực công nghệ thay vì là người thừa kế trong các tập đoàn lâu đời.
Kim, 42 tuổi, sinh ra ở Seoul, chuyển đến Mỹ từ nhỏ và sau đó nhập quốc tịch Mỹ. Ông trở lại Hàn Quốc và bắt đầu khởi nghiệp với Coupang vào năm 2010 sau khi bỏ học tại Trường Kinh doanh Harvard.
Ngày nay, Coupang là ứng dụng mua sắm được sử dụng nhiều nhất ở Hàn Quốc và là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của đất nước. Doanh thu tăng gần gấp đôi vào năm ngoái lên 12 tỷ USD do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid 19.
Được hậu thuẫn bởi Tập đoàn SoftBank của Masayoshi Son, Coupang đã huy động được 4,6 tỷ USD trong đợt IPO dù công ty đã ghi nhận lỗ ròng trong nhiều năm. Cổ phiếu công ty tăng mạnh vào ngày giao dịch đầu tiên. Mặc dù tài sản của Kim đã giảm so với thời kỳ đỉnh cao nhưng ông vẫn sở hữu khối tài sản ước tính 5,7 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
|
Ông Bom Kim. Ảnh: Bloomberg.
|
Trước khi xảy ra sự cố hỏa hoạn ngày 17/6, Coupang được ghi nhận trong mắt dân chúng Hàn Quốc là tập đoàn công nghệ có những nét văn hóa doanh nghiệp khác biệt so với phần lớn các công ty khác – sẵn sàng cống hiến cho xã hội và quan tâm đến nhân viên nhiều hơn. Ví dụ, Coupang đã cam kết với nhân viên và các vị trí lãnh đạo trong công ty số cổ phiếu thưởng trị giá 90 triệu USD khi niêm yết tại New York hồi tháng 3.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, gã khổng lồ thương mại điện tử đang phải chịu áp lực vì một loạt tranh cãi và chịu sự phán xét từ dư luận đối với công ty và người đứng đầu của nó – Bom Kim.
Coupang phải đối mặt với những lời chỉ trích mới từ các liên đoàn lao động và khách hàng về điều kiện làm việc. Nguyên nhân đến từ một vụ hỏa hoạn chết người tại một trung tâm đang được hoàn thiện vào tháng 6. Có thời điểm, số lượng khách hàng sử dụng nền tảng hàng ngày đã giảm hơn 700.000 người trong bối cảnh công ty bị tẩy chay sau vụ hỏa hoạn. Cùng ngày xảy ra vụ cháy, ông Kim tuyên bố từ chức Chủ tịch và CEO của Coupang Hàn Quốc. Công chúng nhìn nhận hành động này là một sự thoái thác trách nhiệm.
Coupang cho biết việc ông Kim rời 2 vị trí cấp cao tại Hàn Quốc đã có hiệu lực từ ngày 31/5 và thời điểm thông báo chỉ là trùng hợp. Nhà sáng lập này vẫn là Chủ tịch và CEO của công ty mẹ Coupang Inc. Động thái này có thể giúp Kim tránh được trách nhiệm giải trình theo luật và quy định của Hàn Quốc.
| Trung tâm vận chuyển đơn hàng của Coupang. Ảnh: Coupang.
|
|
|
Trong thông tin gửi Bloomberg, Coupang cho biết, họ quan tâm “sâu sắc đến phúc lợi của tất cả nhân viên” và coi trọng “trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động”. Công ty cũng cố gắng tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng hơn. Về việc Kim từ chức, thông tin này đã được công bố rộng rãi thông qua một website của chính phủ trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn và thời điểm thông báo chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Kế hoạch từ nhiệm cũng đã được đưa ra từ nhiều tháng trước và là bước đi phù hợp cho những công việc tiếp theo của ông, dự kiến là để tập trung vào các hoạt động ở phạm vi toàn cầu.
Vụ hỏa hoạn đã dẫn đến một cuộc tẩy chay các dịch vụ của Coupang. Số lượng người dùng hàng ngày của ứng dụng di động của công ty giảm xuống còn khoảng 7,9 triệu vào ngày 26/6, so với con số khoảng 8,6 triệu người dùng vào ngày xảy ra vụ cháy, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Hàn Quốc Mobile Index.
Làn sóng chỉ trích gia tăng cho rằng sự tiện lợi mà Coupang mang lại, chẳng hạn như đảm bảo giao hàng vào ngày hôm sau, lại tính vào thu nhập của người lao động.
Theo Coupang, công ty đã giảm bớt khối lượng công việc cho các vị trí quản lý mặc dù giờ làm việc của nhân viên ở khu vực hậu cầu đã tăng lên. Các vị trí quản lý của công ty làm việc "trung bình dưới 50 giờ mỗi tuần trong một ngành công nghiệp mà 72 giờ mỗi tuần là tiêu chuẩn”. Và cách thức giúp đạt được điều này là do công ty sử dụng công nghệ và mạng lưới toàn quốc với hơn 100 trung tâm hậu cần và tuyển dụng thêm rất nhiều nhân sự.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kho không có máy lạnh hoặc hệ thống sưởi và nhân viên không được phép mang điện thoại. “Chúng tôi cảm thấy mình bị đối xử như những cỗ máy", Min, một nhân viên 55 tuổi, nói. Đối với Coupang, “sản phẩm là thứ quan trọng nhất", ông nói.
Đối với vấn đề này, Coupang cho biết, điều hòa không khí và quạt lớn đã được lắp đặt tùy theo tình hình của từng không gian trong các trung tâm phân phối của hãng. Theo chính sách chung, các trung tâm điều hành trên toàn thế giới không cho phép sử dụng điện thoại di động cá nhân trên sàn nhà để phòng ngừa tai nạn. Nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là các nhà máy sản xuất, có một số hạn chế về việc sử dụng điện thoại ở nơi làm việc.
Coupang đã đi đầu trong việc tạo ra “một môi trường làm việc mới cho ngành hậu cần”. Công ty cam kết đảm bảo thời gian làm việc ngắn hơn, tuyển dụng nhân viên lãnh đạo trực tiếp và áp dụng các kỳ nghỉ và thời gian nghỉ có lương cũng như các phúc lợi khác cho nhân viên.
Liên đoàn lao động của Coupang cho biết 9 công nhân, trong đó có 2 nhà thầu phụ, đã chết do làm việc tại công ty kể từ đầu năm ngoái. Đáp lại, Coupang cho rằng, trong khi ngành hậu cần ở Hàn Quốc đã có hơn 1.300 trường hợp tử vong liên quan đến công việc trong 10 năm qua, thì công ty chỉ có một người nằm trong số đó. Công ty cũng đã chi 200 triệu USD và chiêu mộ 600 chuyên gia sức khỏe để cải thiện môi trường sức khỏe và an toàn cho công nhân của mình.
Vào tháng 5, Coupang đã tung ra Coupang Care. Đây là chương trình nâng cao sức khỏe có trả tiền đầu tiên của ngành ở Hàn Quốc, cho phép nhân viên có các chỉ số sức khỏe tương đối cao như huyết áp và đường huyết có thời gian nghỉ trả lương tới 4 tuần để tập trung vào hồi phục sức khỏe.
Đến nay số lượng người dùng đã có dấu hiệu hồi phục. Trong cuộc họp báo về tình hình tài chính vào tuần trước, Coupang cho biết, khách hàng mua hàng trong quý II đã tăng 26% so với năm trước lên 17 triệu.
Đồng thời, quý II, Coupang ghi nhận khoản lỗ ròng tăng sau khi chi một khoản lớn cho việc mở rộng và dọn dẹp hậu quả của vụ hỏa hoạn. Cổ phiếu công ty đã giảm 7,5% so với khi niêm yết cho đến hết ngày 18/8.
(Theo Người đồng hành)