Phi hành gia Liu Boming và Nie Haisheng ra khỏi module lõi của trạm vào 9h13 ngày 20/8 theo giờ Hà Nội, theo Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA). Đồng nghiệp của họ là Tang Hongbo, thành viên thứ ba trong phi hành đoàn Thần Châu 12, ở lại trong module để hỗ trợ. Trong suốt nhiệm vụ kéo dài 4 giờ, Liu và Nie lắp hàng loạt thiết bị bên ngoài trạm. Đầu tiên, họ gắn giá để chân và bệ dành cho hoạt động ngoài trạm (EVA) trên cánh tay robot của trạm Thiên Cung, cho phép vận chuyển những thiết bị khác.
Hai phi hành gia lắp bộ bơm kiểm soát nhiệt, một phần quan trọng trong hệ thống điều hòa nhiệt độ của trạm Thiên Cung, đóng vai trò như bộ phận dự phòng cho bơm tuần hoàn bên trong module. Họ cũng gắn giá đỡ cho camera toàn cảnh gần cửa module, giúp cải thiện tầm quan sát cho camera. Bộ đôi trở lại module vào 13h33 cùng ngày, sớm hơn một giờ so với lịch trình.
Liu cũng nằm trong nhóm thực hiện EVA đầu tiên bên ngoài trạm vũ trụ mới hôm 4/7, khoảng hai tuần sau khi phi hành đoàn bay tới trạm. Tại thời điểm đó, anh đồng hành cùng với Tang trong khi Nie ở trong module. Phi hành đoàn sẽ ở trong không gian 3 tháng, đánh dấu nhiệm vụ không gian dài nhất của Trung Quốc từ trước tới nay. Họ sẽ trở về Trái Đất vào giữa tháng 9/2021.
Trung Quốc phóng module lõi gọi là Thiên Hà của trạm Thiên Cung vào ngày 28/4. Với chiều dài 16,6 m, phần rộng nhất là 4,2 m và khối lượng 22,5 tấn, Thiên Hà là tàu vũ trụ lớn nhất Trung Quốc từng chế tạo. Hai module tiếp theo mang tên Vấn Thiên và Mộng Thiên sẽ ghép nối với module lõi năm sau để tạo thành trạm vũ trụ hình chữ T có thể duy trì hoạt động lâu dài.
An Khang (Theo Space)
- Phi hành gia Trung Quốc đi bộ không gian ngoài trạm Thiên Cung