Hôm 14/8, lần đầu tiên đỉnh Greenland ở độ cao khoảng 3.200 m so với mực nước biển có mưa thay vì tuyết. Nhiệt độ ở đỉnh dải băng Greenland cuối tuần trước ở mức cao hơn nhiệt độ đóng băng lần thứ ba trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Không khí ấm góp phần gây ra trận mưa bất thường với 7 tỷ tấn nước trút xuống dải băng.
Đây là trận mưa lớn nhất ở dải băng này kể từ năm 1950, khi các chuyên gia bắt đầu ghi chép số liệu, theo Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC). Lượng băng bị mất hôm 15/8 nhiều gấp 7 lần mức trung bình hàng ngày vào thời điểm này trong năm.
Đây là bằng chứng Greenland ấm lên nhanh chóng, theo Ted Scambos, nhà khoa học tại Đại học Colorado. "Những gì đang diễn ra không đơn giản là một hay hai thập kỷ ấm trong một mô hình khí hậu chệch hướng. Đây là chuyện chưa từng có", Scambos nói.
Trạm Đỉnh của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) nằm ở điểm cao nhất thuộc dải băng Greenland, nơi các nhà khoa học có thể quan sát thời tiết Bắc Cực và những thay đổi của băng. Kể từ năm 1989, trạm luôn có nhân viên làm việc quanh năm để quan sát những thay đổi bất thường.
Phần lớn lượng mưa cuối tuần trước trút xuống trong khu vực trải dài từ bờ biển đông nam Greenland đến Trạm Đỉnh. Trận mưa lớn khiến các hoạt động tại trạm cần thay đổi, theo Jennifer Mercer, chuyên gia tại Văn phòng các Chương trình Địa cực thuộc NSF. "Chúng tôi cần xem xét những hiện tượng thời tiết mà chúng tôi chưa từng gặp trong lịch sử hoạt động ở đây", bà cho biết.
"Các hiện tượng thời tiết gồm băng tan, gió mạnh và giờ là mưa đã ở ngoài phạm vi được coi là bình thường trong 10 năm qua. Chúng dường như cũng đang xảy ra ngày càng nhiều", Mercer bổ sung.
Tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm Trái Đất ấm hơn, lượng băng mất đi tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo khí hậu của Liên Hợp Quốc tháng này, việc đốt nhiên liệu hóa thạch khiến băng Greenland tan chảy trong hai thập kỷ qua. Nghiên cứu mới trên tạp chí Cryosphere cũng cho thấy, Trái Đất mất 28 nghìn tỷ tấn băng kể từ giữa những năm 1990, một lượng lớn trong đó nằm ở Bắc Cực, bao gồm cả dải băng Greenland.
Tháng 7, dải băng Greenland trải qua một trong những sự kiện tan chảy đáng chú ý nhất thập kỷ khi mất hơn 8,5 tỷ tấn băng bề mặt chỉ trong một ngày, đủ khiến bang Florida ngập dưới 5 cm nước. Năm 2019, khoảng 532 tỷ tấn băng từ Greenland bị đẩy ra biển. Cùng năm đó, mùa xuân nóng bất thường và một đợt sóng nhiệt tháng 7 khiến gần như toàn bộ bề mặt dải băng bắt đầu tan chảy. Kết quả là mực nước biển toàn cầu tăng vĩnh viễn 1,5 mm.
"Chúng ta đang vượt qua những ngưỡng chưa từng thấy suốt hàng thiên niên kỷ. Điều này sẽ không thay đổi cho đến khi chúng ta điều chỉnh những gì đang làm với không khí trên Trái Đất", Scambos nhận định.
Trận mưa cuối tuần trước sẽ ảnh hưởng lâu dài đến Greenland, để lại lớp băng hấp thụ nhiều năng lượng Mặt Trời hơn cho đến khi được tuyết che phủ, theo Mercer. Scambos cho biết, lớp vỏ cứng này cũng sẽ trở thành một rào chắn ngăn nước băng tuyết tan thoát xuống, dẫn đến bề mặt dải băng bị ngập và bắt đầu chảy ra ở độ cao lớn hơn.
Thu Thảo (Theo CNN)
- Tảng băng trôi rộng 1.280 km2 va vào bờ biển châu Nam Cực
- Italy 'bọc' sông băng bằng vải ngăn tan chảy