Trong báo cáo trên tạp chí Scientific Reports hôm 12/8, nhóm nghiên cứu từ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Bảo tàng Quốc gia Brazil đặt tên cho hai loài mới là Silutitan sinensis và Hamititan xinjiangensis. Cả hai đều kết hợp "titan" trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là khổng lồ, liên quan đến kích thước của chúng.
Mẫu vật Silutitan ước tính dài tới 21 m, trong khi Hamititan dài hơn 17 m. Để so sánh, chúng dài gần bằng loài động vật lớn nhất hành tinh từ trước đến nay là cá voi xanh: dài từ 23 đến 30 m tùy thuộc vào bán cầu mà chúng sinh sống.
Hóa thạch của hai sinh vật khổng lồ được khai quật tại khu tự trị Tân Cương và lưu vực Turpan-Hami ở phía tây bắc Trung Quốc. Chúng có niên đại cách đây khoảng 120 đến 130 triệu năm, thuộc kỷ Phấn Trắng.
Cả Silutitan và Hamititan đều thuộc nhóm khủng long chân thằn lằn (Sauropoda) - bao gồm những động vật lớn nhất từng đi bộ trên cạn. Chúng ăn thực vật và có chiếc cổ dài đặc trưng.
Ngoài hai loài mới, nhóm nghiên cứu còn khai quật được một số mảnh xương khác của một loài Sauropoda đã được mô tả trước đây trong nhóm Somphospondyli, sinh sống từ cuối kỷ Jura đến kỷ Phấn Trắng.
"Những phát hiện này không chỉ cung cấp thêm thông tin về nhánh khủng long chân thằn lằn mà còn làm tăng sự đa dạng của hệ động vật cổ đại ở Trung Quốc", nhóm nghiên cứu nêu trong báo cáo.
Đoàn Dương (Theo NPR/CNN)
- Khai quật hóa thạch khủng long gần như nguyên vẹn
- Xác nhận loài khủng long lớn nhất Australia