Công ty Icon ở Austin giành được hợp đồng với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và đang hợp tác với Bjarke Ingels Group để xây dựng, thiết kế môi trường sống giúp NASA hiểu rõ hơn con người có thể tồn tại ra sao trên sao Hỏa trong tương lai. Họ đang xây dựng một công trình in 3D tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, phục vụ hàng loạt nhiệm vụ dùng để mô phỏng cuộc sống của các phi hành gia trên hành tinh đỏ. Sau khi công trình hoàn thành, phi hành đoàn sẽ ở trong công trình này một năm nhằm làm quen với điều kiện sống sao Hỏa.
Công ty khởi nghiệp này đã thực hiện một số dự án trên Trái Đất. Họ đang làm việc để đưa công nghệ in 3D tới đỉnh cao mới thông qua xây dựng công trình ở được ngoài không gian.
Dự án mô phỏng sao Hỏa nằm trong chương trình Crew Health and Performance Exploration Analog (CHAPEA) của NASA, giúp xác định nhiệm vụ thực tế trên bề mặt sao Hỏa sẽ cần những gì. Phi hành đoàn tham gia mô phỏng sẽ sống trong công trình rộng 158 m2 mang tên Mars Dune Alpha mà hệ thống in lớn nhất của Icon đang xây dựng. Bjarke Ingels Group là đối tác của Icon trong dự án, phụ trách thiết kế công trình. Theo Ballard, dự án này là môi trường mô phỏng giống thực tế nhất mà con người từng xây dựng.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ bao gồm 4 phòng riêng ở một đầu, nơi làm việc và trạm y tế ở đầu còn lại, cùng với không gian sinh hoạt chung và khu vực trồng thực phẩm. Mars Dune Alpha sẽ trang bị đồ nội thất có thể dịch chuyển, đèn tùy chỉnh, hệ thống kiểm soát nhiệt độ và tiếng ồn, tất cả đều nhằm đảm bảo môi trường sống này phù hợp với hoạt động thường ngày và nhịp sinh học, giúp duy trì sức khỏe cho phi hành đoàn. Bjarke Ingels, sáng lập viên kiêm giám đốc sáng tạo của BIG-Bjarke Ingels Group, cho biết dữ liệu thu thập từ dự án sẽ giúp NASA xác lập tiêu chuẩn cho các nhiệm vụ dài hạn, đặt nền tảng cho chuyến bay tới sao Hỏa trong tương lai.
Phi hành đoàn 4 người đầu tiên sẽ chuyển tới Mars Dune Alpha vào mùa thu năm sau. Các nhóm khác sẽ tới đến đây vào năm 2024 và 2025. NASA đang tìm kiếm tình nguyện viên trong độ tuổi 30 - 55 làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ và bắt đầu nhận đơn ứng tuyển hôm 17/9. Khi thông báo dự án CHAPEA, NASA cho biết những người tham gia sẽ cung cấp dữ liệu thông qua tiến hành đi bộ không gian mô phỏng, trồng cây, chuẩn bị bữa ăn, thực hiện bảo dưỡng và thí nghiệm khoa học.
Grace Douglas, nhà khoa học chính trong dự án Công nghệ Thực phẩm Tiên tiến của NASA ở Trung tâm vũ trụ Johnson, chia sẻ tình nguyện viên đóng vai trò quan trọng kiểm tra các giải pháp giúp NASA đáp ứng nhu cầu phức tạp của quá trình sinh sống trên bề mặt sao Hỏa. "NASA đã khám phá sao Hỏa bằng robot trong hơn 50 năm. Hành trình chở người tới hành tinh đỏ sắp diễn ra lần đầu tiên. Mô phỏng trên Trái Đất sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ và giải quyết những thách thức về mặt tâm sinh lý mà phi hành gia phải đối mặt trước khi đi", Douglas nói.
Theo NASA, môi trường sống mô phỏng được thiết kế giống sao Hỏa hết mức có thể, bao gồm nhiều áp lực như sự cách biệt, hỏng hóc về thiết bị, khối lượng công việc lớn và tài nguyên hạn chế. Melodie Yashar, giám đốc kiến trúc và xây dựng ở Icon, môi trường sống mô phỏng chủ yếu giúp nghiên cứu không gian nội thất, sức khỏe phi hành đoàn và hệ thống thức ăn. Việc xây dựng trên sao Hỏa thực tế đi kèm nhiều khó khăn như hành trình bay kéo dài, rủi ro mất liên lạc và không thể sơ tán. Điều đó có thể biến nhiệm vụ xây tự động bằng robot trở thành thách thức lớn hơn nhiều.
An Khang (Theo Phys.org)
- NASA tuyển người ở trong môi trường mô phỏng sao Hỏa