NASA hôm 7/8 công bố ảnh chụp từ một trong các vệ tinh của cơ quan này hé lộ màn khói dày đặc trải rộng hơn 4.800 km từ vùng Yakutia ở phía bắc Siberia tới Bắc Cực. Theo ghi chép, đây có thể là lần đầu tiên khói từ đám cháy rừng lan đến Bắc Cực. Cháy rừng xảy ra mỗi mùa hè ở rừng taiga, nhưng năm nay đặc biệt trầm trọng.
Năm ngoái, nhà chức trách Nga mô tả cháy rừng ở Siberia rất nghiêm trọng và ước tính sản sinh 410 triệu tấn carbon dioxide (CO2) trong suốt cả mùa. Nhưng năm nay, cháy rừng giải phóng hơn 460 triệu tấn CO2 và mùa cháy rừng vẫn chưa kết thúc.
NASA ước tính đám mây khói từ các đám cháy rừng vươn xa hơn 3.200 km từ hướng đông tới hướng tây và 4.000 km từ hướng bắc tới hướng nam. Khói bốc cao trên bầu trời có thể nhìn thấy từ Ulaanbaatar ở Mongolia, nằm cách đó hơn 2.000 km.
Yakutia hay còn gọi là Cộng hòa Sakha, nơi nhiều đám cháy rừng đang diễn ra, là một trong những khu vực xa xôi nhất ở Nga. Thủ phủ Yakutsk là một trong những nơi có nhiệt độ lạnh nhất trên Trái Đất, ghi nhận mức -64,4 độ C vào tháng 2/1891. Tuy nhiên, mùa đông năm nay, nơi này trải qua nhiệt độ cao kỷ lục. Giữa tháng 7, cư dân địa phương phải chịu mùi khói từ hơn 300 đám cháy rừng. Lính cứu hỏa mới chỉ xử lý khoảng một nửa trong số đó bởi những đám cháy còn lại quá nguy hiểm.
Các đám cháy đã mở rộng quy mô từ sau đó, thiêu rụi ước tính 161.300 km2 đất từ đầu năm. Viện theo dõi thời tiết Rosgidromet của Nga cho biết tình huống trong vùng đang tiếp tục xấu đi với 34.000 km2 đất rừng đang bốc cháy.
Cháy rừng ở Siberia lớn hơn tất cả đám cháy rừng trong năm nay ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Canada gộp lại, theo Alexei Yaroshenko, chuyên gia về lâm nghiệp của tổ chức Hòa bình Xanh ở Nga. Ông liên hệ những đám cháy ngày càng tồi tệ với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cũng như sự lơi lỏng quản lý của chính phủ.
An Khang (Theo Live Science)
- Hàng nghìn gia súc chết sau cháy rừng
- Cháy rừng thiêu rụi cây olive 2.500 năm