VinFast dù mới thành lập từ giữa năm 2017 nhưng đã đưa truyền thông thế giới đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Đó là xây dựng nhà máy ô tô có khả năng sản xuất 500.000 xe một năm chỉ trong 21 tháng, nhanh hơn rất nhiều con số 36-60 tháng của các nhà máy sản xuất ô tô khác trên thế giới, theo lời ông James Deluca - Tổng giám đốc VinFast.
Ngay sau đó là những chiếc xe đầu tiên chiếm lĩnh trong thị trường trong chưa đầy 2 năm, trong khi nhiều hãng khác cần tới 4-5 năm và không phải ai cũng làm được tương tự...
Ở phía nửa kia địa cầu, Tesla cũng đã khiến toàn thế giới ngưỡng mộ. Khởi đầu với mẫu Tesla Roadster thuần điện thế hệ đầu tiên từ những năm 2008, khi thế giới còn ‘bán tín bán nghi’ và hay mỉa mai về chiếc xe lai điện Toyota Prius, thì chiếc xe điện của Tesla quả là một thứ kỳ lạ, phá cách.
Cách vận hành hoàn toàn bằng điện đã là một điều khiến người ta nghi ngại, mức giá khởi điểm gần 100.000 USD càng khiến chiếc xe khó gần.
Mẫu xe đó dù không được Tesla phát triển toàn bộ mà dựa trên hệ khung gầm của Lotus Elise – mẫu xe thể thao nhỏ gọn từ một hãng xe thể thao có tiếng thế giới - nhưng đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên gia cũng như người có tiếng trong ngành xe. Thế nhưng nhờ chiếc xe nhỏ bé này mà một ‘đế chế’ khổng lồ Tesla đã khởi đầu, trở thành nhà sản xuất xe số 1 thế giới với với giá trị vốn hóa hàng đầu thị trường – hơn 600 tỷ USD vào cuối năm 2020, theo The Drive.
Mẫu xe điện đầu tiên của Tesla.
Giá trị vốn hóa của một số nhà sản xuất ô tô trên thế giới. Biểu đồ : The Drive
Và thật bất ngờ, đến thời điểm này, giữa "kỳ tích Việt Nam" mang tên VinFast và "kỳ tích thế giới" mang tên Tesla, lại có khá nhiều điểm tương đồng về cách thức phát triển. Đó là gì vậy?
4 ĐIỂM GIỐNG NHAU GIỮA VINFAST VÀ HÃNG XE SỐ 1 THẾ GIỚI
Điểm thứ nhất: Tầm nhìn về xe điện
Điểm giống nhau đầu tiên nghe có vẻ... hiển nhiên, là bởi vì thuật ngữ xe điện bây giờ đã quá phổ biến.
Tuy nhiên, hãy cùng nhìn lại thời gian thông tin VinFast sẽ sản xuất xe điện xuất hiện, để thấy tầm nhìn của hãng xe Việt xa thế nào.
Trong bài phát biểu của ông Nguyễn Việt Quang – lãnh đạo Tập đoàn Vingroup – trong sự kiện ra mắt sản phẩm hồi tháng 11 năm 2018, VinFast đã cho thấy họ có kế hoạch sản xuất xe ô tô điện. Thời gian này là rất sớm khi so với các ông lớn khác trên thế giới.
Ngay như Stellantis (công ty mẹ của 14 hãng xe châu Âu và Mỹ như Jeep, Maserati, Peugeot) phải tới đầu tháng 7 vừa qua mới công bố kế hoạch sản xuất xe điện . Thậm chí, ‘ông lớn’ Toyota dù có bước tiến khá sớm trong việc sản xuất xe điện với mẫu xe lai điện Toyota Prius từ 1997, nhưng dường như lại đang tụt lại phía sau trong cuộc đua xe thuần điện khi tới tháng 4 năm nay có kế hoạch sản xuất xe thuần điện.
Có thể thấy việc VinFast xác định ngay từ thời gian đầu mục tiêu sản xuất xe điện đã cho thấy VinFast và Tesla cùng có định hướng và quan điểm giống nhau. Bên cạnh đó, việc có định hướng sản xuất xe điện sớm còn thể hiện đúng một trong các tinh thần mà VinFast đặt ra : Tiên phong.
Điểm thứ hai: Xe tự lái đẳng cấp cao nhất
Một mẫu xe tự lái lý tưởng là mẫu xe thuộc cấp độ 5 , có thể tự vận hành tại mọi cung đường, mọi điều kiện mà không cần con người can thiệp, theo như định nghĩa của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô SAE. Cho tới hiện tại, cấp độ này vẫn đang là mơ ước của nhiều công ty công nghệ, hãng xe phát triển xe tự lái.
Tuy nhiên, trước khi có hình dung về mẫu xe tự lái lý tưởng đó, các công nghệ được coi là tự lái thực tế đã xuất hiện từ rất lâu. Tính năng thân thuộc nhất được xếp vào hàng ‘tự lái’ chính là Adaptive Cruise Control – hệ thống kiểm soát hành trình tự thích ứng hay còn gọi là ga tự động thích ứng. Mẫu xe đầu tiên được trang bị tính năng này là mẫu Mitsubishi Diamante từ năm 1995.
Một chiếc Tesla đang được kích hoạt chế độ tự lái Full Self Driving. Ảnh: New Atlas
Khi kích hoạt tính năng này, chiếc xe sẽ tự động vận hành theo tốc độ cài đặt trước (giống với Cruise Control thông thường) nhưng chiếc xe có thể tự động tăng / giảm tốc độ nếu phát hiện phía trước có vật cản. Có thể hiểu rằng các tính năng tự lái không chỉ giúp việc vận hành một chiếc xe trở nên nhẹ nhàng hơn, nó còn mang đến nhiều lợi ích về mặt an toàn. Do đó, việc phát triển một mẫu xe tự lái được xem như là tất yếu.
Tới nay, nhiều hãng xe trên thế giới đã và đang phát triển các công nghệ tự lái, trong đó có VinFast và Tesla. Triết lý xây dựng mẫu xe tự lái của hai hãng là khác nhau, song đều hướng tới mục tiêu xe tự lái cấp độ 5.
Điểm thứ ba: Làm chủ trí tuệ nhân tạo
Một trong những yếu tố quan trọng nhất không thể thiếu trên một mẫu xe có thể tự vận hành chính là ‘bộ não’. Bộ não tự hành là nơi tiếp nhận thông tin từ các ‘giác quan’ của xe, ‘suy nghĩ’ và đưa ra quyết định (xem thêm cách để một mẫu xe có thể tự vận hành được tại đây ). Trí tuệ nhân tạo chính là bộ não sẽ đưa ra quyết định vận hành chiếc xe tự lái.
Tỷ phú Elon Musk (thứ 2 từ trái qua) và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Tesla – Andrej Karpathy. Ảnh : JP Chen
Với tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo đó, Tesla đã tiến hành đầu tư và nghiên cứu công nghệ này, phục vụ phát triển công nghệ tự lái của hãng. Tesla chú trọng phát triển công nghệ này tới nỗi vị tỷ phú Elon Musk – một trong các sáng lập và hiện đang là giám đốc điều hành của Tesla – đã phải nói rằng "về lâu dài, mọi người sẽ nghĩ tới Tesla như một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo và robot thay vì một hãng xe hay một công ty năng lượng như hiện nay (Tesla hiện có đầu tư khai thác năng lượng mặt trời)".
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research
Về phía VinFast, thực tế VinFast không có công ty con hay phân nhánh nghiên cứu xe tự lái. Nhiệm vụ nghiên cứu xe tự lái có lẽ do Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research thuộc Tập đoàn Vingroup đảm nhiệm. Để phục vụ công tác nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, Tập đoàn Vingroup đã đầu tư siêu máy tính AI - NVIDIA DGX A100.
Với khả năng có thể giảm thời gian hoàn thành thí nghiệm từ hơn 1 tuần xuống còn dưới 24 giờ, Viện trưởng VinAI là ông Bùi Hải Hưng cho biết rằng siêu máy tính này là thiết bị mà mọi đơn vị hoạt động trong lĩnh vực AI đều muốn sở hữu.
Điểm thứ tư: Bán xe online
Một chiếc xe có giá từ vài trăm triệu đồng tới vài tỷ đồng có thể mua một cách dễ dàng chỉ bằng việc nhấn nút nghe chừng hơi điên rồ. Tuy nhiên, đây lại là điều mà Tesla đang tập trung thực hiện. Mới đây, vị tỷ phú Elon Musk của Tesla đã nói về ý định cho đóng cửa một loạt showroom, nhất là tại các trung tâm thương mại. Mục đích là để tập trung vào việc bán xe online qua hệ thống website của hãng.
Cách làm này mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn người mua hàng. So với chiếc xe được bán ra từ nhà phân phối (đơn vị trung gian giữa nhà sản xuất và người mua), người mua sẽ có được một sản phẩm với chi phí thấp hơn do cắt giảm được chi phí cố định từ showroom; so với việc tổ chức và duy trì các showroom chính hãng, nhà sản xuất có thể cắt giảm được chi phí mặt bằng hay chi phí nhân viên.
Đây cũng là hướng làm của VinFast khi sang thị trường Mỹ. Thông qua việc bán xe online, hãng cũng sẽ có khả năng để tiếp cận rộng hơn với khách hàng tại nhiều khu vực khác nhau. Thực tế, VinFast cũng mới triển khai mô hình bán xe online tại Việt Nam đầu tiên là với việc đặt cọc mẫu xe điện VinFast VF e34 , và mới đây là cả 3 mẫu xe xăng (Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0).
MIẾNG GHÉP THỨ NĂM
Nếu như trên một mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống thì các cấu kiện chính nhất là động cơ, khung gầm và hộp số thì với xe điện, bộ pin cũng sẽ là một thành phần chính, là nơi lưu trữ và giải phóng năng lượng để chiếc xe di chuyển.
Pin thường được đặt ở sàn giúp hạ trọng tâm, khiến chiếc xe điện khó bị lật hơn. Ảnh : Tennen Gas
Không chỉ với xe điện, 't rái tim năng lượng ' này còn hiện hữu rất nhiều và chiếm vị trí rất quan trọng trong nhiều thiết bị quan trọng quanh ta như điện thoại hay máy tính xách tay. Thế nhưng, công nghệ pin lại không có nhiều thay đổi mang tính đột phá kể từ thiết bị đầu tiên mang tên gọi pin xuất hiện từ cuối thế kỷ 18 do nhà vật lý học người Ý Alessandro Volta sáng chế.
Một điều ít biết đó là loại ắc quy axit-chì vẫn hay thấy trên xe đạp / xe máy điện ngày nay thực chất là sáng chế từ năm 1860, có tính ứng dụng cao nhờ chi phí sản xuất rẻ hơn so với công nghệ pin Lithium-ion (viết tắt là Li-ion).
Pin Li-ion thực ra là một phát minh không quá mới, từ những năm 1970 và được thương mại hóa từ 1991. So với công nghệ pin ngày trước, pin Li-ion ngày nay đã có những cải tiến với mức năng lượng riêng lớn hơn và an toàn hơn, nhưng đó vẫn chỉ là những thay đổi nhỏ.
Biểu đồ giá pin trong 10 năm qua. Nguồn: Bloomberg
Ngày nay, khi xe điện trở thành một xu hướng tất yếu thì kéo theo đó, các ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ như diều gặp gió mà phát triển. Con diều đó hiển nhiên có tên bộ pin. Trong suốt 10 năm vừa qua, giá thành pin đã giảm đi tới gần 10 lần từ $1191/kWh năm 2010 còn $137/kWh năm 2020, theo biểu đồ của Bloomberg . Điều này có nghĩa rằng một bộ pin giả sử có dung lượng 50kWh vào năm 2010 sẽ có giá 50 x 1191 = 59.550 USD, nhưng tới 2020 thì bộ pin đó chỉ còn 50 x 137 = 6850 USD.
Thêm vào đó, nhu cầu lớn cũng kéo theo nhiều nghiên cứu được thực hiện hơn nhằm cải thiện hiệu suất của pin, cũng như tìm các phương án khác nhau để cho ra một loại pin mới tốt hơn. Có thể kể tới các dòng pin như Lithium-air có mức năng lượng riêng đạt gấp 10 lần pin Li-ion, từ 500-2600Wh/kg, nhưng dự kiến trong 20 đến 30 năm nữa thì công nghệ này mới hoàn thiện, hay gần hơn là pin thể rắn với mức năng lượng riêng có thể đạt 400Wh/kg vào năm 2022 trong khi công nghệ pin Li-ion ngày nay chỉ đạt 250-270Wh/kg.
Bên cạnh vấn đề về công nghệ phát triển, vì khối pin quá quan trọng trên một mẫu xe điện nên giới chuyện gia còn đưa ra nhận định rằng đây sẽ có thể là ngành sản xuất hàng đầu trong thế kỷ 21 này, có thể thay đổi vị thế quốc gia không kém thứ 'vàng đen' - dầu mỏ. Đó là chưa kể tới báo cáo của Global Newswire rằng thị trường pin toàn cầu sẽ có tăng trưởng hàng năm đạt 12,8% từ khoảng 120 tỷ USD năm 2020 đến khoảng 280 tỷ USD vào năm 2027.
Có lẽ do nhận thấy tình hình sôi động của ngành sản xuất pin nên tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không ngần ngại mà "rót riêng" 485 tỷ đồng (chiếm 48,5% cổ phần) vào Công ty CP Giải pháp Năng lượng VINES hôm 4/8 vừa qua. Theo báo chí, đây là trường hợp ít ỏi trong hệ thống Vingroup mà ông Vượng trực tiếp đứng tên cổ phần. VinES sẽ tập trung sản xuất pin và ắc quy.
Tesla Model S phiên bản mới nhất có thể chạy 652km một lần sạc với bộ pin ước tính khoảng 100kWh. Ảnh: Goodfon
Tất nhiên, không thể không kể tới kế hoạch bán xe độc đáo của VinFast: cho thuê pin.
Nếu giá trị của pin xe điện đúng như con số của Bloomberg đưa ra thì với cách bán xe độc đáo này, mỗi chiếc xe điện VinFast bán ra có thể cắt giảm từ gần 6000 USD tới hơn 10.000 USD, giúp giá thành chiếc xe thực sự cạnh tranh không những với những chiếc xe điện trong phân khúc mà cả những chiếc xe chạy động cơ đốt trong truyền thống.
Chưa kể tới việc khi cho thuê pin vậy thì tức là VinFast đang là đơn vị sở hữu pin, sẽ phải chịu trách nhiệm bảo trì và sửa chữa nếu xảy ra hỏng hóc. Giả sử việc sửa chữa đó do một đơn vị thứ 3 chịu trách nhiệm thì chắc chắn kinh phí và thời gian sẽ đội lên nhiều. Do đó, việc có một nhà máy sản xuất pin sẽ là một phương án vô cùng tối ưu, giúp VinFast hay Vingroup tự chủ tốt hơn.
Toàn cảnh nhà máy sản xuất pin của Tesla tại bang Nevada, Mỹ. Ảnh: Smnt
Cách làm này của vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng không phải là không có tiền lệ.
‘Đối thủ’ ở bên kia bán cầu – Tesla – cũng có nhà máy sản xuất pin như vậy. Ngoài Tesla, ông lớn General Motors của Mỹ (công ty mẹ của một loạt các hãng xe tên tuổi như Chevrolet, Cadillac, GMC và Buick) cũng vừa mới ký hợp đồng với LG để tiến hành xây dựng nhà máy pin thứ 2. Bên cạnh 2 ông lớn này, có thể kể tới những tên tuổi lừng danh khác trên thế giới như Ford, Toyota, Stellantis cũng đã có kế hoạch cho việc xây dựng nhà máy sản xuất pin cho xe điện.
Có thể thấy rằng cách làm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện nay không hề kém cạnh những tên tuổi lừng lẫy thế giới, thấp thoáng trong đó bóng hình của một gã khổng lồ trong ngành xe. Cách làm này của tỷ phú Phạm Nhật Vượng càng cho thấy quyết tâm của mình trong việc đưa sản phẩm Việt ngang tầm thế giới.
Lấy link