Cống hiến hết mình để mang về tấm huy chương cho đất nước, đội tuyển, song nhiều trường hợp ghi nhận vận động viên (VĐV) đã gặp phải các tình huống dở khóc dở cười.
Bi kịch ngoài ý muốn
Trong đó, "bi kịch" nhất trong số các tai nạn không gây thương tật có lẽ là tình trạng tiêu chảy khi vận động quá sức, thường gặp ở một số VĐV chạy marathon đường dài.
Tại kỳ Olympic Rio 2016, VĐV người Pháp Yohann Diniz là một minh chứng hùng hồn khi đang đạt phong độ cao và dẫn đầu chặng đua thì đột nhiên bị tiêu chảy, khiến chất thải "đùn" hết ra ngoài quần.
Sự cố ngoài ý muốn đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thành tích của Diniz. Cuối cùng bằng nghị lực phi thường, anh vẫn cố gắng hoàn thành phần thi ở vị trí thứ 8.
Trước đó nữa là trường hợp của nữ VĐV Paula Radcliffe tại giải London Marathon năm 2005 khi cơn đau bụng buộc cô phải dừng lại giữa chừng để "giải quyết".
Rủi ro mọi vận động viên phải đối mặt
Tiêu chảy khi thi đấu và tập luyện ở cường độ cao là chứng bệnh có thật đối với mọi VĐV.
Theo một khảo sát được công bố trên tạp chí National Library of Medicine vào năm 1992, 62% VĐV chạy marathon thừa nhận họ từng phải ngưng chạy để "giải quyết". Trong đó, có tới 51% cho biết họ gặp tình trạng trên khi đang thi đấu, và 12% thậm chí thừa nhận điều khủng khiếp đến với họ khi không thể kìm được cơn tiêu chảy và chấp nhận "đùn" ra một chút khi đang chạy.
Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện đáng cười, mà là một vấn đề khá nghiêm trọng với sức khỏe mà các VĐV phải đối mặt khi trong đa số các trường hợp, họ thường đi kèm những cơn đau bất thường, dẫn tới chảy máu trực tràng.
Điều đáng sợ hơn là chứng bệnh này không hề căn cứ theo tuổi tác, nhiễm trùng hay ngộ độc, dị ứng thực phẩm. Nói cách khác, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Không ít VĐV chạy bền có các triệu chứng tiêu chảy khi đang chạy. Nguyên nhân là khi chạy bộ, cơ thể chúng ta rất khó kiểm soát các cơ ở vùng hậu môn, vì não bận xử lý các nhóm cơ khác.
"Bạn không thể kiểm soát một bó cơ khi đang bận dùng nhóm cơ khác", Michael Dobson - một bác sĩ chuyên khoa về ruột và trực tràng cho biết. "Khi cơ thể vận động, rất khó để giữ cho nhóm cơ vòng hậu môn đóng lại khi đang bận xử lý các nhóm cơ khác xung quanh chân và xương chậu".
Một nghiên cứu khác cho biết trong quá trình tập luyện, việc gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm đã khiến lưu lượng máu bị phân phối lại từ nội tạng đến cơ bắp.
Theo đó, việc lưu lượng máu giảm đột ngột tại các cơ quan tiêu hóa có thể gây ra hiện tượng thiếu máu cục bộ, với triệu chứng là gây ra tiêu chảy hoặc những cơn đau bụng bất thường.
Cũng chính vì lý do này mà nhiều người khi chạy bộ, dù là khi tập thể dục buổi sáng bỗng nhiên cảm thấy đau quặn ở vùng bụng dưới mà không rõ nguyên nhân.
Minh Khôi
Theo Iflscience