Theo Economics, nghiên cứu được đưa ra bởi tiến sĩ Daniel Mansfield từ Đại học New South Wales (Sydney, Úc), dựa trên việc phân tích một bảng đất sét có niên đại tận 3.700 năm, thuộc về những người Babylon huyền thoại.
Acient Origins gọi những gì trên bảng đất sét tròn nhỏ này là "ví dụ lâu đời nhất về hình học ứng dụng". Sử dụng "bộ ba số Pythagore", những người Babylon cổ đại đã phân chia điền sản của họ một cách khoa học và chính xác y hệt chúng ta ngày nay.
Bộ 3 số Pythagore gồm 3 số nguyên dương a, b, c sao cho a2+b2=c2, tên gọi của bộ 3 này xuất phát từ Định lý Pythagore nổi tiếng (bình phương cạnh huyền trong tam giác vuông bằng tổng bình phương độ dài 2 cạnh còn lại). Bộ ba số Pythagore chắc chắn thỏa mãn định lý Pythagore, tuy nhiên 3 cạnh của tam giác vuông có thể không tạo thành bộ ba số Pythagore nếu chúng không phải là số nguyên.
Điểm gây sốc nhất trong phát hiện này là tấm đất sét có niên đại xưa hơn thời Pythagore và phát minh ra những định lý toán học để đời. Nói cách khác, người tìm ra bộ ba số Pythagore phải là người Babylon chứ không phải Pythagore!
Chưa kể, phân tích còn cho thấy bảng đất sét - được đặt tên là S.427 - còn là một tấm bản đồ địa giới dùng để... bán đất, y như cách người hiện đại chúng ta vẽ bản đồ thửa đất, căn nhà vào giấy tờ nhà đất và đem giấy tờ đó cho người mua xem để giao dịch.
Phát hiện này khẳng định một lần nữa trình độ toán học "thượng thừa" của người Babylon, những người cực kỳ thông minh và là tác giả của nhiều phát minh vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, ví dụ cách phân chia ngày, giờ, lịch, toán lượng giác...
Viên đất sét bí ẩn được khai quật từ thế kỷ 19 từ vùng đất của Đế chế Babylon cổ đại ở Lưỡng Hà (ngày nay là Iraq và Syria), hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Istanbul.
Theo Người lao động