Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Trịnh Châu và Đại học Bắc Kinh phát hiện bằng chứng về nhà máy đúc tiền xu cổ nhất thế giới. Trong nghiên cứu công bố trên trang Antiquity của Đại học Cambridge, các nhà nghiên cứu mô tả đồng xu và khuôn đúc tìm thấy tại khu vực khai quật ở Hà Nam, Trung Quốc.
Trước đây, giới nghiên cứu cho rằng việc sử dụng đồng xu làm tiền tệ xuất hiện lần đầu tiên ở Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng xu khai quật ở vùng đất là Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, được tạo ra và sử dụng bởi người dân ở vương quốc Lydia, có niên đại từ năm 630 trước Công nguyên. Nhưng vẫn có tranh cãi về độ tuổi thực của chúng theo phương pháp xác định niên đại. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tìm thấy đồng xu ở xưởng đúc. Họ tiến hành xác định niên đại bằng đồng vị carbon với tàn tro còn sót lại của xưởng.
Đồng xu và khuôn đúc nằm ở thành phố cổ đại Quan Trang, thành lập vào khoảng năm 800 trước Công nguyên. Những đồ vật nhóm nghiên cứu tìm thấy bao gồm nhiều đồng xu bằng đồng hình chiếc thuổng và khuôn đất sét dùng để sản xuất. Kết quả kiểm tra tàn tro từ lửa dùng để nấu chảy kim loại cho thấy chúng có niên đại 2.600 năm, có nghĩa xưởng được sử dụng để đúc tiền xu từ năm 640 - 550 trước Công nguyên. Đây là xưởng sản xuất tiền xu lâu đời nhất từng được phát hiện.
Theo nhóm nghiên cứu, ban đầu xưởng sản xuất công cụ, vũ khí và nhiều đồ vật khác vào năm 770 trước Công nguyên. Sau một thế kỷ, người dân địa phương bắt đầu sử dụng công nghệ đúc kim loại để tạo ra tiền xu. Những nhà sử học vẫn chưa thống nhất về lý do sử dụng đồng xu làm tiền tệ. Một số cho rằng tiền xu khiến việc mua bán trở nên dễ dàng hơn trong khi người khác suy đoán đó là một cách để chính quyền thu thuế.
An Khang (Theo Phys.org)
- 300 đồng xu cổ phát lộ sau bão