Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng bằng liệu pháp virus tiêu hủy u (Oncolytic Virotherapy) do TS Đặng Thành Chung, Học viện Quân y cùng cộng sự đã hoàn thành bước nghiên cứu, đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng.
Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiêm tế bào ung thư buồng trứng ở người vào chuột để thử nghiệm. Khi trên chuột xuất hiện các khối u, họ dùng virus đã bất hoạt dùng để điều chế vaccine sởi tiêm cho chuột. Theo dõi đối chứng sau một thời gian kích thước khối u giảm rõ rệt so với nhóm chuột ung thư không được điều trị.
Theo nhóm nghiên cứu, ở nhóm chuột ung thư được điều trị bằng virus vaccine sởi có thời gian sống dài hơn so với nhóm đối chứng không được điều trị. Các xét nghiệm cho thấy, khi tiêm virus vaccine vào chuột mang tế bào ung thư buồng trứng có tác dụng gây chết tế bào theo cơ chế sắp đặt trước (ly giải tế bào ung thư).
Từ kết quả này, TS Đặng Thành Trung đã xây dựng quy trình tạo virus vaccine sởi liều cao, đánh giá tính an toàn và tác dụng điều trị ung thư buồng trứng của virus vaccine sởi.
Các nhà khoa học đã tinh chế, cô đặc virus vaccine sởi ở mức độ bán thành phẩm và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dùng điều trị ung thư buồng trứng. Chế phẩm virus vaccine sởi liều cao đã được đánh giá tính an toàn trên mô hình động vật nhỏ (chuột) và trên linh trưởng (khỉ).
Thử nghiệm trên chuột và khỉ với nồng độ 105, 106, 107 TCID50 cho thấy virus vaccine sởi ở các liều tiêm an toàn, không có bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào.
Theo TS Đặng Thành Chung, việc nghiên cứu thành công phương pháp điều trị này có ý nghĩa rất lớn, chứng minh sử dụng virus vaccine sởi liều cao trên động vật nhỏ và loài linh trưởng là hiệu quả. Virus này có tác dụng gây ly giải tế bào ung thư buồng trứng và gây chết tế bào theo chương trình. Quan trọng hơn, ưu điểm của phương pháp này đặc hiệu với tế bào ung thư; an toàn, ít tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến tế bào lành và có thể áp dụng trên nhiều loại ung thư khác nhau.
"Kết quả này là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng điều trị ung thư buồng trứng bằng virus vaccine sởi liều cao, mở ra hướng mới trong chiến lược điều trị ung thư buồng trứng và triển vọng đối với các loại ung thư khác", TS Chung nói.
Theo Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp Quốc gia, thành công này là cơ sở để thử nghiệm điều trị trên bệnh nhân tình nguyện. Khi có hiệu quả thực tế có thể đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng như một liệu pháp điều trị ung thư chính thức.
Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Tô Hội