Động cơ 220 tấn sẽ được dùng trên tên lửa đẩy Trường Chinh 9 (CZ-9) thế hệ mới, dự kiến đi vào hoạt động trước năm 2030. CZ-9 là tên lửa 3 tầng, trong đó động cơ mới sẽ tạo thành tầng lõi và tầng thứ hai.
Trung Quốc đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng trong cuộc đua chinh phục vũ trụ với Mỹ trong những năm gần đây. Nối tiếp nhiệm vụ Hằng Nga 5 thu thập thành công mẫu vật Mặt Trăng năm ngoái là sự kiện tàu Thiên Vấn 1 hạ cánh trên sao Hỏa hồi tháng 5.
Quá trình xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung, nơi 3 phi hành gia đang sống và làm việc từ tháng 6/2021, dự kiến hoàn thành năm sau. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) lên kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng năm 2030 và thông báo kế hoạch hợp tác xây dựng trạm Mặt Trăng với Nga năm 2035. CZ-5, tên lửa mạnh nhất đang hoạt động của Trung Quốc, có thể chở 25 tấn hàng tới quỹ đạo thấp của Trái Đất. Trong khi đó, tên lửa CZ-9 có thể chở 150 tấn hàng lên quỹ đạo.
Động cơ hydro - oxy chu kỳ đốt phụ trợ mới đã được phát triển trong ít nhất 4 năm qua. Những thông số kỹ thuật chính của nó bao gồm lực đẩy, xung lực riêng chân không, tỷ số giữa lực đẩy và trọng lượng đều lập kỷ lục đối với động cơ tên lửa Trung Quốc.
Nhà phát triển là Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (CASC), nhà thầu chính trong chương trình vũ trụ của nước này, sẽ hoàn thành thử nghiệm nửa hệ thống và toàn bộ hệ thống trong năm nay. CASC đã chốt thiết kế và chọn địa điểm tiến hành thử nghiệm. Khi đi vào hoạt động, CZ-9 sẽ phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng có người lái và thực hiện nhiệm vụ thu thập mẫu vật sao Hỏa.
An Khang (Theo SCMP)
- Trung Quốc thử nghiệm thu hồi 'mũi hình nón' của tên lửa