Khám phá được thực hiện trong cuộc khai quật ở thành phố Quan Trang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Xưởng đúc tiền xu đầu tiên trên thế giới hoạt động từ năm 640 đến 550 trước Công Nguyên.
Xưởng đã tạo ra những đồng xu bằng kim loại đầu tiên, đặt tên là đồng xu thuổng vì chúng giống với công cụ làm vườn hơn 2.600 năm trước.
Các nhà khảo cổ cho biết địa điểm xưởng có cấu trúc tổ chức chặt chẽ, có khả năng sản xuất hàng loạt đồng tiền kim loại đầu tiên, góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của tiền.
Tại địa điểm khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện ra một phần xưởng đúc đồng với hàng chục khuôn đúc tiền xu, các mảnh tiền xu và mảnh vụn kim loại. Những điều này xác nhận đây là xưởng đúc tiền xu cổ xưa.
Phân tích các phát hiện cho thấy xưởng đúc tiền có tổ chức cao, sản xuất đồng tiền lẻ theo kiểu tiêu chuẩn hóa.
Tiền xu là loại tiền kim loại lâu đời nhất được biết đến ở Trung Quốc. Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Hao Zhao từ Đại học Trịnh Châu, cho biết: "Xưởng đúc Guanzhuang bắt đầu vào khoảng năm 770 trước Công nguyên, nhưng lúc đầu nó chủ yếu sản xuất các đồ phục vụ nghi lễ, vũ khí và công cụ. Khoảng 150 năm sau, các hoạt động đúc tiền xuất hiện ở xưởng đúc này".
Bằng cách sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon, các chuyên gia phát hiện xưởng đúc Guanzhuang hoạt động vào khoảng giữa năm 640-550 trước Công Nguyên. Những đồng xu tìm thấy ở địa điểm này là loại lâu đời nhất về tiền kim loại từng phát hiện ở Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu hy vọng địa điểm mới nằm ở tỉnh Hà Nam có thể làm sáng tỏ niên đại của tiền và cách phát triển.
Nghiên cứu trước đây cho rằng tiền xu lần đầu tiên được sử dụng từ các thương gia, giúp cho việc mua bán, vận chuyển và đong đếm của cải trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, xưởng đúc tiền Guanzhuang nằm sát rìa ngoại thành, gần cổng vào khu hành chính nội thành. Điều này có thể chỉ ra rằng chính phủ đã tham gia vào lịch sử ban đầu của tiền tệ.
Tiến sĩ Zhao cho biết: "Tạo ra tiền xu là một trong những đổi mới tài chính mang tính cách mạng nhất trong lịch sử nhân loại".
Theo Infonet