Vương Hoài Nam (25 tuổi), giám đốc công nghệ (CTO) của Techainer. Quyết định về Việt Nam khởi nghiệp bắt nguồn từ cơ duyên gặp gỡ giữa Nam với Lâm và Việt năm 2018 tại cuộc thi Hackathon nhằm tìm ra các ứng dụng của AI, Big Data vào các giải pháp phần mềm. Khi đó Lâm và Việt đang làm tại 1 công ty đa quốc gia có trụ sở tại Nhật làm về lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo).
Nhóm tham gia cuộc thi đã cùng nhau suốt 4 ngày đêm hoàn thiện ý tưởng, sau đó nhận được những lời nhận xét, gợi ý về tiềm năng phát triển của AI tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Đông Á. Nam coi đây là cơ hội để đón đầu thị trường. Nhóm nghĩ đến một sản phẩm ứng dụng AI giúp đẩy nhanh số hóa, tối ưu "nội lực" và giảm thiểu tối đa rủi ro trong vận hành cho các tổ chức, cá nhân theo mô hình B2B2C (Business To Business To Customer - là một mô hình kinh doanh phản ánh sự hợp tác giữa hai chủ thể doanh nghiệp (B2B) để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng (B2C).Techainer bước vào khởi nghiệp.
"Tại sao lại tự đi đâm đầu vào một mớ bòng bong, nhân sự, quy trình trong công ty... đều chưa chuyên nghiệp như ở những công ty mình đã làm?" là câu hỏi luôn được Nam tự vấn bản thân trong khoảng thời gian đầu công ty hoạt động. Thậm chí mức thu nhập còn kém 20 lần số tiền Nam từng kiếm được ở công việc trước kia.
Lúc đầu thành lập, Techainer tập trung vào các bài toán liên quan RPA (Robotic Process Automation) để trích xuất và chuẩn hoá thông tin từ các tài liệu bao gồm văn bản, video... giúp một số công ty đối tác làm tự động hoá liên quan các tác vụ hàng ngày. Nhưng đến tháng 2/2020, dịch Covid-19 làm đình trệ toàn bộ các dự án tại thời điểm đó. Nhóm đã phân tích tình hình và đưa ra quyết định nhanh chóng về việc tìm ra phân mảng chính nên tập trung phát triển đó là eKYC (giải pháp định danh khách hàng trực tuyến giúp người dùng có thể làm nhiều tác vụ online tại nhà) dành cho tổ chức ngân hàng, nhà mạng... "Vì tính chất sản phẩm hoàn toàn có khả thi phát triển được khi ấy", Phạm Đăng Hồng Sơn, Founder của Techainer nói.
Hướng tới mục tiêu triệu đô
Đã có lúc, cả team rệu rã bởi những khó khăn gặp phải như quản trị rủi ro, quản trị dòng tiền, những vấn đề công nghệ chưa lường trước được.
Nhưng khi Techainer tập trung vào giải pháp eKYC - là giải pháp định danh khách hàng điện tử bằng các thuật toán chuyên sâu giúp các công ty, tổ chức xác định và chứng thực danh tính của một khách hàng hoàn toàn trực tuyến bằng cách trích xuất, kiểm tra thông tin trên giấy tờ tùy thân và đối chiếu các đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt với ảnh trên giấy tờ. Từ đó, các thao tác đăng ký và mở tài khoản cho khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện 100% online với giấy tờ và khuôn mặt.
Nhóm nhận thấy eKYC không nên chỉ dừng ở môi trường online mà cần được mở rộng thêm ở môi trường offline. Cụ thể, mô hình AI sẽ được tích hợp với camera giám sát, đó là sản phẩm Horus - hệ thống phân tích hình ảnh từ camera, phát hiện, định danh, theo dõi và xác thực người dùng theo thời gian thực để người vận hành quyết định các phương pháp quản lý tập trung.
Khi người dùng đã đăng ký online trên điện thoại và trở thành khách hàng của doanh nghiệp, tới bất kỳ chi nhánh nào cũng được hệ thống nhận diện và tiếp đón tự động. Nhờ những phân tích về hành vi, hệ thống có thể nhận ra và tạo cảnh báo với những trường hợp có hành động bất thường hay ra vào khu vực không phận sự... Tính năng này góp phần giúp gia tăng trải nghiệm sử dụng dịch vụ và tinh giản nguồn lực nội bộ, đồng thời tối ưu vận hành cũng như tiết kiệm tài nguyên (chi phí, con người...) cho tổ chức tùy vào các nghiệp vụ cụ thể.
Đặc biệt, mô hình này khi tích hợp với các hệ thống ERP, CRM, CDP có sẵn có thể giúp doanh nghiệp có cái nhìn 360 độ về khách hàng từ đó đề xuất trải nghiệm dịch vụ phù hợp với mỗi người dùng.
Nam chia sẻ, Việt Nam hiện có đầy đủ 3 yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để AI cũng như những ứng dụng của nó có cơ hội lan rộng, phát triển nhanh ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai. Dịch bệnh kéo dài làm các doanh nghiệp nhận ra sự cần thiết của sự tự động hoá, của trí tuệ nhân tạo để có thể vận hành 24/7, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân sự cũng như giảm gánh nặng kinh tế. Chính phủ đang có nhiều chính sách khích lệ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ giúp tự động hoá và tạo nhiều giá trị gia tăng cho các nền kinh tế sản xuất có sẵn.
Techainer hiện tại tập trung vào việc hoàn thiện và cải thiện liên tục sản phẩm eKYC và Camera A.I để gần như thay thế hoàn toàn con người trong các tác vụ cần thiết. Ngoài ra các sản phẩm này cần tích hợp và phù hợp với các hệ thống đã, sẽ có của doanh nghiệp.
Sang năm 2021, tổng giá trị hợp đồng Techainer ký kết được có 8 con số, phát triển 150% so với cùng kỳ năm 2020. "Tôi mong muốn xây dựng công ty đem mình nhiều giá trị nhất có thể cho các doanh nghiệp, tổ chức và khách hàng cuối. Với dự định hiện tại chúng mình hướng mình giá trị công ty đạt 50 triệu đô la Mỹ trong năm 2024", Nam chia sẻ.
Mục tiêu hướng đến của Techainer là một công ty xây dựng và phát triển sản phẩm mang lại giá trị thực sự cho người dùng, với sứ mệnh "đổi mới". Đổi mới trong cách tiếp cận bài toán, đưa lời giải đến gần hơn với người dùng, Đổi mới trong cách khách hàng ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá quy trình và năng suất công việc.
Techainer mới đây đã vào top 15 startup tiềm năng nhất bước vào vòng đào tạo của Chương trình "Thử thách sáng tạo cùng công nghệ AI Accelerator Challenge 2021" (AAC 2021) do VSV Foundation tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Australia.
Tô Hội