Theo Deal Street Asia, VNLife Corporation nhận vốn 250 triệu USD từ các nhà đầu tư do General Atlantic và Dragoneer Investment Group dẫn đầu, với sự tham gia của PayPal Ventures và EDBI (Singapore).
Quỹ Singapore GIC và SoftBank Vision Fund 1 cũng tiếp tục rót vốn trong đợt này.
|
Công ty mẹ của VNPay huy động được 250 triệu USD |
VNLife cho biết, sẽ sử dụng nguồn vốn mới để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các danh mục kinh doanh của công ty, song song với phát triển các nền tảng và công nghệ mới.
Công ty con lớn nhất của VNLife chính là fintech VNPAY – nền tảng giúp hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam phát triển các dịch vụ kỹ thuật số.
VNLife cũng vận hành hệ thống thanh toán VNPAY-QR, mạng thanh toán không dùng tiền mặt có 22 triệu người dùng và hơn 150.000 điểm chấp nhận.
Nền tảng này làm trung gian, giúp hàng chục ứng dụng của các ngân hàng tại Việt Nam có thể quét mã QR thanh toán ở rất nhiều hàng quán trên khắp Việt Nam, và trên nhiều website thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, VNLife cũng vận hành một đơn vị du lịch trực tuyến là VNTravel, có các thương hiệu bao gồm startup chia sẻ xe DiChung, giải pháp công nghệ du lịch Tripi và các nền tảng đặt vé Dinogo và Mytour.vn. Công ty cũng sở hữu TEKO, một mô hình bán lẻ mới nhằm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn tại Việt Nam.
Năm ngoái, VNLife đã trở thành công ty thứ hai tại Việt Nam, sau VNG, tham gia nhóm startup kỳ lân (các doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD).
Hiện nay ngoài VNLife, tại Việt Nam còn có nhiều fintech khác chiếm thị phần lớn. Gồm MoMo được hỗ trợ vốn tư nhân; Moca, công ty đối tác chính của Grab; ViettelPay, thuộc sở hữu của Viettel; và ZaloPay thuộc sở hữu của VNG.
MoMo đã huy động được nhiều vốn nhất trong số các ví điện tử này, đạt ít nhất 230 triệu USD từ các nhà đầu tư như Warburg Pincus, Affirma Capital, Goodwater Capital, Macquarie Capital và Tybourne Capital Management.
Hải Đăng